Hiiii, lần trước mình đã từng đề cập đến những lí do tại sao bạn nên huấn luyện chó ở trong chuồng. Và với những lợi ích như thế mình đoán là các bạn cũng muốn người bạn nhỏ của mình có thể làm được như vậy.
Chính vì vậy, đã có bài viết này ngày hôm nay ^_^
Mình sẽ hướng dẫn bạn từng bước từng bước một để bạn có thể training cho chú chó của mình ở trong chuồng một cách tự nguyện và thích thú nhất, đó mới chính là điều quan trọng!
Việc huấn luyện này sẽ mất khoảng vài tuần hoặc thậm chí là vài tháng, vì vậy bạn cần phải kiên trì. Vì chắc chắn kết quả đạt được sẽ khiến bạn hài lòng.
Với các bước huấn luyện dưới đây, bạn sẽ đều có thể áp dụng được cho hầu hết các giống chó ở mọi lứa tuổi khác nhau.
Bạn đạt được gì khi huấn luyện thành công


Kỉ luật và độc lập là hai điều tuyệt vời mà huấn luyện với chuồng sẽ mang lại cho chú cún của bạn
- Giúp chó cưng cảm thấy yêu quí cái chuồng của chúng, không gây ra ác cảm cho chúng với chuồng.
- Giúp cún hiểu được chuồng chính là “cái ổ” mà các bé có thể nghỉ ngơi, thư giãn hoặc có thể là nơi để ẩn nấp khi cảm thấy sợ hãi, đe dọa.
- Tạo ra cho chúng một tâm lý thoải mái khi ở trong chuồng.
- Bạn sẽ có thể yên tâm khi để cún ở nhà một mình trong một khoảng thời gian.
- Hỗ trợ bạn trong những bài huấn luyện khác như dạy chó cưng đi vệ sinh đúng chỗ (vì chúng không thích vấy bẩn chỗ chơi và ngủ của mình), giúp chúng kiểm soát bàng quang và đường ruột tốt hơn.
- Dễ dàng mang đi khi cần di chuyển, đảm bảo an toàn cho cún cưng.
1. Chọn đúng chuồng cho chó
Việc chọn đúng chuồng cho chó là việc quan trọng mà bạn cần phải lưu tâm ngay từ ban đầu. Một cái chuồng phù hợp sẽ giúp bạn vừa tiết kiệm ngân sách, vừa hiệu quả cho quá trình huấn luyện.
Vậy phải chọn làm sao, cứ vòng vo mãi 😛
Khi chọn chuồng bạn hãy để ý những tiêu chí sau:
- Chuồng có kích thước vừa phải, đủ để chú chó đứng thẳng được bằng 4 chân.
- Có đủ không gian để chúng có thể quay qua, quay lại, xoay một vòng.
- Khi chúng dãn chân ra hết cỡ khi ngủ mà vẫn thấy thoải mái.
- Chuồng sẽ vừa vặn khi chúng lớn lên. (Giúp bạn tiết kiệm chi phí)
- Chuồng không được có quá nhiều khoảng trống dư thừa. (Sẽ khiến chú chó của bạn không ngần ngại tè bậy bên trong đó)


Việc lựa chọn chuồng là một việc quan trọng mà bạn cần quan tâm ngay từ đầu
Vậy nếu phải huấn luyện ngay khi cún vẫn còn bé thì sao?
Sẽ rất tốn kém nếu bạn phải liên tục đổi chuồng cho phù hợp với kích thước của cún. Đặc biệt là với những giống có sự thay đổi rõ rệt khi trưởng thành như Samoyed, Husky, Golden Retriever,… (>20kg).
Đối với những bạn thoải mái về tài chính thì sẽ không thành vấn đề. Nhưng nếu bạn muốn tiết kiệm, mình có 2 cách cho bạn:
- Chuồng quây ghép cho chó sẽ là sự lựa chọn phù hợp vì bạn có thể thay đổi kích thước sao cho phù hợp với kích thước của chúng.
- Hoặc như mình đề cập ở trên, đó là mua một cái chuồng có kích thước bằng với kích thước tối đa của cún khi đã lớn. Tuy nhiên, bạn cần mua thêm một miếng ngăn chuồng để phân chia chuồng dần dần theo kích thước cún.
Các loại chuồng bạn có thể dùng
Hiện tại hầu hết các cửa hàng, shop thú cưng đều có bán đủ loại, bạn có thể đến để tham khảo, cân nhắc. “Sờ tận tay, day tận mắt” vẫn là tốt nhất.
Bạn có thể chọn chuồng dựa trên chất liệu của chúng:
Chuồng sắt (metal wire-type crates): loại chuồng khá phổ biến và dễ dàng tìm thấy.


Chuồng sắt là một trong những loại chuồng phổ biến và hiệu quả cho việc huấn luyện
Chuồng vận chuyển (plastic crates): thường sẽ có 2 loại nữa, 1 loại là full nhựa (nguyên cái chuồng bằng nhựa hết), còn loại thứ 2 là dạng chuồng nhựa nhưng có cửa bằng kim loại (loại hay dùng để vận chuyển trên máy bay, còn gọi là flight kennels hay Airplane-kennels).


Chuồng hay lồng vận chuyển phù hợp khi cần vận chuyển thú cưng đi xa nhưng vẫn rất hiệu quả khi dùng để huấn luyện
Chuồng gỗ: đẹp, hoài cổ, dễ vệ sinh. Loại chuồng này ít phổ biến ở Việt Nam. Bên phương Tây thì người ta chuộng hơn.


Nếu bạn nào ngày xưa có xem hoạt hình Tom and Jerry thì sẽ biết ngay ngôi nhà dạng như này
Ngoài ra, còn có chuồng inox, chuồng quây ghép đa năng,…
Tips: Mình gợi ý là bạn nên bắt đầu việc huấn luyện với chuồng sắt hoặc chuồng nhựa loại có cửa bằng kim loại. Đây là 2 loại chuồng phổ biến và tốt nhất để bắt đầu.
Nếu bạn cảm thấy việc lựa chọn chuồng đã khiến bạn đau đầu, đừng lo lắng, phần kĩ thuật ngay dưới đây sẽ còn khiến bạn đau đầu hơn nữa, hãy chuẩn bị!
Việc huấn luyện thành công hay không còn phụ thuộc vào kĩ thuật của bạn!
2. Chuẩn bị cho việc huấn luyện cún
#1 Lựa chọn vị trí đặt chuồng


Bạn hãy để ý chọn những nơi mà mọi người thường hay ra vào, đi qua đi lại
Lúc đầu quá trình huấn luyện, bạn hãy đặt chuồng tại những nơi mà các thành viên trong gia đình bạn thường xuyên sinh hoạt hoặc hay lui đến. Cún con sẽ thích cảm giác thân thuộc lúc ban đầu.
Tránh đặt chuồng tại những vị trí có ánh nắng mặt trời chiếu xuống trực tiếp. Tránh những nơi có thiết bị tỏa nhiệt, những vị trí hay có tiếng ồn như tiếng máy sấy, máy giặt.
Hãy chắc chắn ở gần nơi bạn đặt chuồng sẽ không có những thứ như dây điện, ổ cắm điện, các loại cây có độc, vật sắc nhọn. Tránh việc cún nhai gặm khi ngứa răng (hoặc chán), những thứ này sẽ gây nguy hiểm cho chúng.
Sau khi quá trình huấn luyện của bạn thành công, lúc này chú chó của bạn đã quen với việc ở trong chuồng. Bạn hoàn toàn có thể đặt chuồng ở những nơi bạn muốn.
#2 Set up chuồng


Chuẩn bị đã nhé!
Hãy luôn để cửa mở trong thời gian đầu. Việc nhốt cún cưng và để chúng một mình trong chuồng có thể gây ra ác cảm hoặc ấn tượng xấu của chúng về chuồng. Điều này sẽ khiến bạn gặp nhiều khó khăn hơn trong việc huấn luyện cho cún những lần tới.
Tips: Luôn để cửa mở rộng, tránh trường hợp va đập bất ngờ làm chú chó của bạn hoảng sợ.
Thông thường mọi người thường hay lót đệm hoặc chăn mềm vào trong chuồng để tạo cảm giác thoải mái. Điều này hoàn toàn bình thường, không có gì sai cả. Tuy nhiên, mình chỉ muốn chia sẻ với bạn 2 điều này:
- Đầu tiên, đối với những chú chó con từ 2-6 tháng tuổi hoặc có kích thước cơ thể nhỏ, khả năng kiểm soát bàng quang và ruột của chúng khá yếu. Vì vậy bạn nên cân nhắc việc lót đệm, chăn vào trong chuồng. Thay vào đó, bạn có thể dùng tấm lót vệ sinh dành cho chó, vì nó có khả năng thấm hút tốt (hút đâu chừng 1l nước với tấm to và 500ml với tấm nhỏ). Nếu chẳng may vô tình cún con tè bậy thì bạn chỉ việc thay tấm lót khác, sẽ không phải tốn công giặt chăn, đệm nhiều lần.
- Thứ hai, vì tấm lót vệ sinh thường khá mỏng nên có lẽ bạn sẽ lo sợ chúng khó chịu vì nằm trên mặt phẳng cứng. Nhưng sự thật thì chó vốn dĩ là loài quen nằm ở mặt phẳng cứng, một số con thậm chí còn rất thích điều đó. Chính vì vậy, việc nằm mà không cần đệm, chăn đối với chúng là hoàn toàn bình thường.
#3 Hãy để cún trần trụi
Không bảng tên, không quần áo, không dây dắt,… Bạn cần phải lột trụi hết. Lí do là bởi vì những vật dụng này sẽ rất dễ vướng vào chuồng.
Chẳng hạn như bảng tên có thể bị kẹt giữa hai song sắt của chuồng sắt. Và điều này sẽ khiến chú chó của bạn hoảng sợ, vô tình tạo nên một cảm giác không tốt cho chúng khi ở trong chuồng.
#4 Những phần thưởng


Đồ chơi, bánh thưởng, xương thưởng,… bất cứ thứ gì chú cún của bạn yêu thích. Hãy ném vào đó cho chúng.
Đó có thể là các loại treat như bánh thưởng, xương thưởng, đồ chơi, chút chít,… bất kì những thứ mà người bạn bốn chân của bạn yêu thích. Đây sẽ là một nguồn động lực quan trọng cho cún trong quá trình huấn luyện.
#5 Cho cún làm quen với chuồng
Mỗi khi đến ở một nơi nào đó mới bạn cảm thấy lạ lẫm và dè chừng như thế nào thì chú cún của bạn cũng dè chừng, thận trọng như vậy, thậm chí là hơn vậy, Chính vì thế, “ấn tượng ban đầu” lúc nào cũng quan trọng, hãy tạo cảm giác tốt của cún với chuồng ngay từ lúc đầu.
Hãy để chú chó của bạn tự nó khám phá cái chuồng. Bạn có thể khuyến khích chúng vào bằng cách bỏ vào đó một ít bánh thưởng. Để món đồ chơi yêu thích của cún vào đó. Hãy thưởng cho chúng bất cứ khi nào bạn bắt gặp chúng vào chuồng.
Muốn chắc chắn hơn nữa, bạn có thể để trong chuồng 1-2 chiếc áo cũ có mùi của bạn. Việc này sẽ khiến cún yên tâm hơn khi khám phá.
Nếu chú chó của bạn tỏ ra không thích thú gì mấy với cái chuồng. Đừng ép chúng. Bạn cần kiên nhẫn và chậm rãi. Có thể sẽ phải mất vài ngày để làm quen.
Tips: Bạn nên cho cún hoạt động một tí trước khi bắt đầu việc huấn luyện. Ví dụ như dẫn đi bộ, chơi kéo co, rượt bắt,…
3. Các bước huấn luyện chó ở trong chuồng
Oke, ở phần này mình sẽ chỉ bạn cách để huấn luyện cún cưng ở trong chuồng nhé! Đối với mình, mình sẽ chia ra làm 4 phần cho quá trình huấn luyện này:
- Tập ở trong chuồng: mục đích là để tạo thói quen ở trong chuồng.
- Tạo ra sự thích thú ở trong chuồng: mục đích để tạo cho cún cảm giác chuồng như một ngôi nhà thực sự.
- Tập sự kiên nhẫn khi ở trong chuồng: mục đích là để cho cún có thể quen với việc ở lâu trong chuồng hơn.
- Tập cho cún tính độc lập: Để bạn có thể yên tâm ra ngoài khi để chúng ở nhà một mình trong chuồng hoặc để chúng ngủ trong chuồng cả đêm.
#1 Tập ở trong chuồng
Bạn cần chuẩn bị một bát thức ăn và những phần thưởng, có thể là bánh thưởng hoặc những món ăn vặt mà chú chó của bạn yêu thích.
Bước 1: Đầu tiên, khi đến giờ ăn của cún, bạn hãy để chúng ngửi bát thức ăn sau đó đặt bát vào hẳn bên trong chuồng. Nếu chú chó của bạn bước hẳn vào trong để ăn thì đó là một bước khởi đầu rất tốt.
Tuy nhiên nếu cún có cảm giác lo lắng, sợ sệt, không dám bước vào chuồng. Hãy đặt bát thức ăn gần ở cửa chuồng, sau đó những lần ăn sau bạn hãy dần dần đặt bát sâu vào trong chuồng một chút, cho đến khi cún bước hẳn vào trong.
Bước 2 : Sau khi cún đã vào trong chuồng ăn một cách thoải mái và đỡ lo lắng, sợ sệt hơn. Lúc này bạn hãy nhẹ nhàng đóng cửa lại. Đừng đi đâu cả, bạn hãy ngồi canh đến khi cún ăn xong. Ngay sau khi cún ăn xong, hãy mở cửa ra.
Bước 3 : Lặp lại bước 2 nhưng thời gian đóng cửa sẽ lâu hơn một chút trong mỗi bữa ăn. Bạn hãy lặp lại đến khi nào cún ở trong chuồng 15 phút nhưng vẫn cảm thấy thoải mái, không stress là được.
Tuy nhiên, nếu như chưa đạt đủ thời gian mà cún đã kêu đòi ra thì có lẽ là do bạn tăng thời gian lên quá nhanh và nhiều, hãy giảm lại một chút.
Ví dụ: Mỗi lần đóng cửa sau khi ăn, nên tăng lên tầm 30 giây hoặc 1 phút. Đừng tăng lên 5 phút hay 10 phút. Việc này sẽ khiến người bạn nhỏ của bạn có cảm giác không thoải mái.
#2 Tạo ra sự thích thú trong chuồng
Thời gian tập: Vài ngày
Như vậy ở #1 tụi mình đã tìm cách để cún có thể tạm thời “chịu” ở trong chuồng rồi. Ở #2 này chúng ta sẽ tiếp tục tìm cách để tạo ra sự hứng thú, vui thích của chúng khi được ở trong chuồng. Phần này mình sẽ chia làm 2 cách.
Cách 1
Bước 1: Hãy đặt cún vào chuồng (hoặc dụ cún vào chuồng bằng đồ chơi, bánh thưởng), sau đó đóng cửa lại.
Bước 2: Ngay sau đó, hãy cho cún ăn bánh thưởng (1-2 viên) và khen chúng. Hãy để chúng sớm nhận ra rằng, ở trong chuồng thật tuyệt ^^! – Nhưng thật như vậy, chúng sẽ học được điều đó rất nhanh sau 2-3 lần bạn cho chúng ăn. Tiếp tục cho cún ăn bánh thưởng 2-3 lần nữa, mỗi lần 1-2 viên.
Bước 3: Bây giờ, bạn hãy mở cửa ra, chậm thôi nhé. Nếu chú chó của bạn chuẩn bị chạy ra, hãy đóng cửa lại. Sau đó lại mở ra, nếu chú chó của bạn tiếp tục chạy ra, hãy lại đóng cửa lại. Nếu chú chó của bạn ở lại trong chuồng, lúc này bạn hãy tự tạo ra một câu lệnh bạn muốn (Ví dụ: Vào chuồng, Chuồng,…) sau đó đọc lên kết hợp cho chúng ăn bánh thưởng. Lặp lại từ 2-3 lần đến khi bạn cảm thấy cún có vẻ thích thú.
Phần này nâng cao một chút
Bước 4: Ở bước này, bạn hãy gài dây dắt vào người cún, sau đó đặt phần tay nắm dây ra ngoài và dẫm lên, mục đích là để cún không chạy đi khi cho ra ngoài.
Bước 5: Lần này bạn hãy mở cửa và gọi cún ra ngoài. Nếu cún chạy ra xong quay vào chuồng, hãy đọc lại câu lệnh và cho chúng ăn bánh thưởng. Nếu cún chạy ra và cứ quanh quẩn bên ngoài, bạn hãy thử đọc câu lệnh, chỉ tay về hướng chuồng, nhìn cún và không cho bánh thưởng. Bạn hãy đọc đến khi cún chịu quay lại chuồng, lúc này hãy khen và cho cún bánh thưởng.
Bước 6: Làm như bước 5, nhưng lần này bạn sẽ không dẫm chân lên dây nữa. Nếu lúc này cún chỉ muốn quay lại chuồng. Done, bạn đã thành công.
Tips: Cách này không những giúp cún cảm thấy yêu thích cái chuồng của mình mà còn giúp bạn có thể dễ dàng ra lệnh để cún vào chuồng mỗi khi bạn muốn.
Video dưới đây sẽ giúp bạn dễ hình dung hơn
Cách 2
Cách này đơn giản hơn, nhưng nhìn chung mục đích vẫn là giúp cho cún yêu thích ở trong chuồng hơn.
Bước 1: Mở cửa chuồng. Nếu chú chó của bạn ăn thức ăn hạt, hãy nắm một ít hạt sao đó quăng vào trong chuồng. (Điều cần lưu ý ở đây là bạn phải chắc chắn rằng cún của bạn thích nó thì mới đủ hấp dẫn). Bạn có thể thay thức ăn của cún bằng bánh thưởng yêu thích của chúng. Lặp lại 1-2 lần.
Bước 2: Lần này bạn hãy kết hợp lệnh như ở cách 1. Sau khi quăng vào chuồng một ít thức ăn hoặc bánh thưởng, hãy nói lệnh của bạn (Ví dụ: Vào chuồng, Chuồng,…). Nếu chú chó của bạn bước vào chuồng hãy ném thêm một ít thức ăn hoặc bánh thưởng cho chúng. Chúng sẽ cực kì hào hứng đó nha!
Bước 3: Cuối cùng bạn có thể kết hợp việc đóng cửa chuồng. Bạn hãy khép cửa lại, nhưng vẫn đủ để thò một tay vào chơi và cho cún ăn một ít hạt, bánh thưởng. Sau đó dần dần rút hẳn tay ra khỏi chuồng nhưng vẫn phải tương tác với cún nhé. Done, nếu chú chó của bạn không than vãn, kêu la gì. Bạn đã thành công!
#3 Tập sự kiên nhẫn trong chuồng


Kiên nhẫn sẽ giúp cún tập kiểm soát bàng quang, ruột và cả kỉ luật
Thời gian tập: Vài ngày đến vài tuần.
Ở phần này, chúng ta sẽ tập cho người bạn bốn chân quen với việc ở trong chuồng lâu hơn nữa.
Bước 1: Hãy gọi chú chó của bạn vào chuồng (đến phần này mình đoán có lẽ cún đã hiểu câu lệnh của bạn rồi đấy). Sau khi cún vào chuồng hãy cho chúng bánh thưởng và khen chúng nhé!
Bước 2: Bạn hãy đến và ngồi yên lặng bên cạnh chuồng. Sau 5-10 phút bạn hãy đứng lên và đi khỏi tầm mắt của cún. Sau khi đi đâu đó khoảng vài phút, bạn quay lại chuồng và tiếp tục ngồi bên cạnh chuồng khoảng 2-3 phút.
Bước 3: Mở cửa chuồng cho cún ra, khen ngợi và cho chúng bánh thưởng. Sau đó, bạn có thể dẫn chúng đi dạo, đi chơi đâu đó cho thoải mái.
Bước 4: Lặp lại quá trình này cho đến khi nào bạn có thể đi ra khỏi tầm mắt của cún trong 30 phút mà chúng không kêu la đòi ra. Done, bạn đã thành công.
Lưu ý nhỏ: Nếu trong quá trình đi ra ngoài, cún có dấu hiệu stress hoặc kêu la quá nhiều có thể là do bạn đã tăng mức độ thời gian hơi lâu rồi đấy. Giảm lại một chút, chậm lại một chút!
Sau khi cún đã quen ở trong chuồng 30 phút rồi, lúc này bạn đã có thể bắt đầu nhốt cún trong chuồng trong khi bạn có thể ra ngoài làm việc của bạn. Thậm chí vào ban đêm cún có thể sẽ ngủ một giấc trọn vẹn, thoải mái trong chuồng luôn.
#4 Tập tính độc lập cho cún
Phần cuối cùng, gợi ý một số bước giúp bạn yên tâm khi nhốt cún ở nhà một mình và nhốt cún vào ban đêm.
Nhốt cún ở nhà một mình
Khi việc ở trong chuồng 30 phút không làm chú chó của bạn cảm thấy lo lắng, sợ sệt thì lúc này bạn có thể yên tâm ra khỏi nhà trong một thời gian ngắn. Thời gian ngắn thôi nhé! Vì việc ở trong chuồng quá lâu sẽ không tốt tí nào. Mình sẽ đề cập thêm ở bên dưới.
Bước 1: Gọi cún vào chuồng bằng lệnh của bạn và thưởng cho cún.
Bước 2: Nếu có đồ chơi hoặc một món đồ nào đó mà chú chó của bạn yêu thích, hãy bỏ vào cho chúng.
Bước 3: Thưởng cho cún một ít và khen chúng vì đã vào chuồng. Sau đó trong lúc cún đang mải mê gặm bánh thưởng bạn có thể rời đi một cách nhanh chóng. Vì lúc này chú chó của bạn đã quen rồi.
Sau khi về đến nhà, mình biết là hầu hết mọi người đều sẽ rất phấn khích và vui mừng khi gặp lại bé cún thân yêu của mình. Tuy nhiên, vì đang trong quá trình tập luyện nên bạn tuyệt đối không được chạy lại vỗ về, vui mừng với cún. Hãy cứ giữ tâm trạng thật bình thường.
Lí do là bởi vì nếu bạn vui mừng chạy lại vỗ về, âu yếm cún thì chúng sẽ mặc định gán việc ở trong chuồng đồng nghĩa với việc sẽ bị bỏ rơi ở nhà một mình. Chính vì vậy để tránh tạo ra cảm giác đó, bạn cần giữ một thái độ thật bình thường. Sau đó 10-15 phút bạn hãy cứ bình thường đến và mở cửa chuồng như không có gì xảy ra.
Không nhốt cún liên tục quá 4 tiếng/ngày!


Chuồng là nơi để nghỉ ngơi, không phải giam giữ!
Nhốt cún vào ban đêm
Tương tự như ở trên, bạn cũng sẽ gọi cún vào chuồng bằng lệnh của bạn, sau đó cho cún bánh thưởng và khen chúng. Tuy nhiên sẽ có những điểm cần lưu ý:
Ở những thời điểm ban đầu tập luyện, tốt hơn hết bạn nên đặt chuồng cún cưng ở trong phòng ngủ hoặc gần nơi ngủ của bạn. Đặc biệt là nếu cún của bạn còn nhỏ. Do bàng quang nhỏ nên việc bài tiết của chúng cũng thường diễn ra rất nhanh. Vì vậy bạn cần ở gần để có thể nghe thấy tiếng kêu khi chúng muốn đi ra ngoài để giải quyết.
Đối với những chú chó đã có tuổi bạn cũng nên đặt chúng gần nơi bạn ngủ vào những tuần đầu. Để tránh cún có cảm giác bị cô lập, xa lánh. Bạn biết rồi đấy, càng già càng cảm thấy neo đơn.
Đến một lúc nào đó, khi chú chó của bạn có thể ngủ xuyên suốt một đêm mà chẳng kêu la gì thì lúc đó bạn có thể dần dần dời chuồng đến một vị trí khác mà bạn muốn.
Đọc thêm: Chó con kêu liên tục vào ban đêm phải làm sao?
4. Những điều NÊN và KHÔNG NÊN khi thực hiện việc huấn luyện cún ở trong chuồng
Như vậy mình đã điểm qua những cách thức để bạn có thể tập cho chú chó của mình ở trong chuồng. Tuy nhiên, sẽ có một vài điều nên và không nên cần lưu ý trong quá trình tập luyện:
»NÊN:
Bạn nên kiên nhẫn, khen thưởng, khích lệ cún mỗi khi chúng thực hiện tốt.
Bạn nên tập theo một thời khóa biểu nhất quán. Như vậy sẽ đạt được hiệu quả cao nhất.
Bạn nên chuẩn bị sẵn sàng nhiều bánh thưởng, hoặc đồ chơi để tập luyện.
Bạn nên tập luyện thật chậm rãi. Tránh vội vàng.
Bạn nên cho cún đi dạo chơi, chạy nhảy và đi vệ sinh trước khi bắt đầu nhốt cún vào chuồng.
Bạn nên cho cún đi vệ sinh ngay sau mỗi lần được ra khỏi chuồng. Như vậy cún sẽ mặc định tự hiểu rằng sau giờ “trong chuồng” sẽ là giờ “đi vệ sinh”.
»KHÔNG NÊN:
Không nên ép cún nếu chúng có biểu hiện không thích hoặc quá khó chịu. Hãy luôn để mọi việc diễn ra thật tự nhiên.
Không nên nhốt cún quá nhiều lần trong ngày. Ví dụ: Sáng bạn đi làm bạn nhốt chúng 3-4 tiếng, chiều đi làm lại nhốt 3-4 tiếng, tối ngủ cũng nhốt nốt luôn. Tính ra là cả ngày chỉ ở trong một chỗ chật hẹp, giống như khi bạn bị nhốt trong nhà cả ngày vậy. Tụi mình cũng sẽ stress chứ đứng nói đến cún!


Đây là khoảng thời gian mà cún có thể chịu đựng ở từng độ tuổi mà bạn có thể tham khảo.
Không nên nhốt cún vượt quá thời gian tối đa cho mỗi lần nhốt. Đặc biệt là cún con, vì chúng vẫn chưa kiểm soát tốt bàng quang và đường ruột của mình. Bạn hãy tham khảo bảng thời gian nhốt chuồng tối đa cho từng độ tuổi.
Không nên mở cửa chuồng cho cún mỗi khi chúng kêu. Cún kêu hoặc là do chúng đang phấn khích điều gì đó, hoặc là do chúng đang “mè nheo”, “mít ướt” với bạn, hoặc là do chúng đang muốn đi vệ sinh. Nhưng cho dù là lí do nào, bạn hãy đợi đến khi chúng không còn kêu la hoặc phản ứng thái quá nữa. Lúc ấy bạn hãy mở cửa.
Không nên dùng chuồng như công cụ để phạt cún. Điều này sẽ gây một ấn tượng vô cùng tồi tệ với chúng. Và việc tập luyện sau này với bạn sẽ vất vả hơn rất nhiều đấy.
5. Tổng kết
Phewww… Đúng là một bài viết dài ơi là dài! Nếu bạn đã đọc đến đây thì có lẽ bạn thực sự quan tâm đến việc làm cách nào để huấn luyện cho chó ở trong chuồng. Việc huấn luyện chó ở trong chuồng không phải là quá khó, chỉ đơn giản là nó có nhiều điều cần lưu ý xung quanh thôi. Mình mong là những chia sẻ của mình sẽ giúp ích được cho bạn trong quá trình huấn luyện. Chúc bạn thật kiên nhẫn, bình tĩnh và thành công trong việc huấn luyện! Byebye :3