Heyy, xin chào các bạn. Tắm cho chó có lẽ không phải là một công việc xa lạ với chúng mình nhỉ. Bởi sớm muộn gì bạn cũng sẽ được trải nghiệm điều đó.
Việc tắm chó mang lại nhiều lợi ích đáng kể miễn sao bạn đừng lạm dụng nó.
Nếu đây là lần đầu tiên bạn tắm cho chú cún nhỏ của mình thì bài viết này dành cho bạn. Mình sẽ hướng dẫn bạn các bước cần thực hiện để việc tắm táp cho cún diễn ra một cách suôn sẻ nhất nhé!
Kèm theo đó sẽ là những điều mà bạn cần lưu ý trong quá trình thực hiện. Bắt đầu luôn nào!
1. Những vật dụng cần chuẩn bị trước khi tắm


Quá trình chuẩn bị đóng một vai trò quan trọng khi tắm cho chó
Để quá trình tắm được diễn ra suôn sẻ và hạn chế những sự cố có thể xảy ra thì đây là những thứ bạn nên chuẩn bị trước:
Lược, bàn chải lông


Lược chải lông cho chó
Nghe thì có vẻ không liên quan gì đến việc tắm. Tuy nhiên đây là một tips mà bạn không nên bỏ qua. Việc chải lông trước khi tắm sẽ giúp cho chú chó của bạn gọn gàng, bớt được lông chết và không những thế còn giúp bạn tiết kiệm được xà phòng.
Kềm cắt móng, giũa móng


Kiềm cắt móng cho chó
Thật ra đây là một sự lựa chọn mang tính tương đối thôi. Bạn muốn dùng cũng được, không cũng không sao. Vì móng chân dài sẽ dễ gây ra một vài sự cố nho nhỏ trong quá trình tắm. Nhưng biết cắt sẽ rất có lợi đấy nhé!
Xem thêm: Hướng dẫn cắt móng chân cho chó đúng cách ngay tại nhà
Ví dụ: Nếu cún hoảng sẽ có thể nhảy lên bấu víu vào người bạn, và với những móng chân như vậy sẽ dễ gây ra thương tích cho bạn.
Khăn tắm


Khăn tắm dành cho chó
Chắc chắn rồi. Tuy nhiên, để lau khô tối đa bạn nên dùng loại khăn tắm siêu thấm chuyên dành cho thú cưng. Loại đấy cũng không đắt, mình nhớ là dưới 100k. Theo não trạng đơn giản của mình nếu nhớ không nhầm thì nó làm từ sợi xenlulozơ nên cho khả năng thấm hút cực ghê. Cái khăn này bạn không nên phơi nắng, phơi xong là nó cứng như đá luôn. Nên nếu dùng xong chỉ cần xả sạch rồi cho lại vào hộp đựng.
Một miếng lót cao su
Bạn có thể dùng bất kì tấm lót nào có thể tìm được làm bằng cao su. Miếng này dùng để lót dưới chân cún. Công dụng của nó là giúp cún đứng vững, không bị trượt, té. Tin mình đi, cún mà té là bạn phải vất vả lắm mới giúp nó bình tĩnh lại được đó.
Bịt tai
Đây cũng là một lựa chọn mang tính tương đối. Bạn có thể dùng hoặc không. Mục đích là để tránh nước vào tai cún. Vì nước vào tai mà không lau kĩ sẽ rất dễ gây viêm tai. Còn nếu bạn cảm thấy tự tin với sự khéo léo của mình thì bạn có thể bỏ qua cái này. Mình gợi ý cho màu mè vậy thôi :v
Nước nhỏ mắt
Nếu như ở trên nước có thể vào tai thì ở đây sữa tắm sẽ có thể bị dây vào mắt. Sữa tắm có thể khiến mắt cún bị cay và lại một lần nữa sẽ có thể khiến chúng mất bình tĩnh. Nước nhỏ mắt sẽ là một giải pháp cứu cánh cho thú cưng của bạn nếu chẳng may để sữa tắm dây vào mắt.
Máy sấy
Lại tiếp tục là một lựa chọn mang tính tương đối. Máy sấy mình đề cập ở đây là máy sấy dành cho thú cưng nhé. Bạn không nên dùng máy sấy của người. Vì máy sấy của người có độ nóng nên dễ gây khó chịu ở cún cũng như dễ gây khô và gãy rụng lông.
Máy sấy của vật nuôi thường sẽ mạnh hơn, có chế độ mát, phù hợp với lông của thú cưng hơn. Sấy mát sẽ lâu khô hơn sấy nóng, nhưng bù lại sẽ tốt hơn sấy nóng rất nhiều. Nhược điểm duy nhất của nó có lẽ là giá thành hơi đắt thôi.
Sữa tắm
Đây chắc chắn là một vật dụng tuyệt đối không thể thiếu. Và bạn phải thật chú ý nhé, sữa tắm bạn dùng phải là sữa tắm chuyên dụng dành riêng cho vật nuôi.
Không dùng sữa tắm cho người, không xà phòng rửa chén, không xà bông rửa tay,… Vì có một điều bạn nên biết là da của thú cưng nhạy cảm hơn chúng ta rất nhiều. Ngay cả việc lựa chọn sữa tắm phù hợp cho chúng cũng là cả một vấn đề đấy. Vì nếu chọn sai, da của chúng có thể bị kích ứng, dị ứng, tổn thương.
Nếu hiện tại chú chó của bạn đang mắc một số bệnh lý về da thì nên tham vấn ý kiến bác sĩ thú y trước khi sử dụng một loại sữa tắm nào đó. Vì dùng sai có thể khiến cho bệnh nghiêm trọng hơn.
Bạn có thể tham khảo bài viết của mình về một số loại sữa tắm dành riêng cho chó bị viêm da: Các dòng sữa tắm đặc trị dành cho chó bị viêm da
2. Các bước tắm cho chó chuẩn grooming
Chơi đùa


Vận động trước khi tắm sẽ giúp cún cưng bình tĩnh hơn
Ủa, khoan, sao lại là chơi đùa? Tôi đang tìm các bước tắm chó mà?
Từ từ nào, đây sẽ lại là một Tips nhỏ bỏ túi nữa dành cho bạn. Để việc tắm diễn ra thuận lợi và suôn sẻ thì việc cho chú chó cưng của bạn chơi đùa sẽ có ích đấy.
Đùa giỡn và chạy nhảy sẽ khiến cơ thể cún thấm mệt, hơn nữa giữa bạn và cún sẽ hình thành một thứ mà mình hay gọi là “mối liên hệ tốt“. Và cái “mối liên hệ tốt” này sẽ làm cho thú cưng hợp tác với bạn hơn khi tắm. Không phải ai cũng nói cho bạn biết điều này đâu nha. À đừng quên là cho cún cưng nghỉ ngơi khoảng 5-10 phút trước khi tắm nhé.
Phần thưởng


Bánh thưởng sẽ là một trợ thủ đắc lực cho bạn
Sẽ không ngoa khi nói rằng đây là biểu hiện của sự lương lẹo. Bạn sẽ phải “hối lộ” cho chúng một ít bánh thưởng và treats để việc hợp tác diễn ra trong êm ấm.
Bạn sẽ cần phải làm điều này trước và sau khi tắm cho chúng. Hãy khiến các boss cảm thấy thoải mái và thư giãn nhất có thể.
Chuẩn bị nước tắm
Theo sách giáo khoa thì nước tắm chuẩn nhất là nước ấm. Nhưng mà nếu thời gian của bạn không cho phép thì bạn có thể dùng nước mát, nước mát nha chứ không phải nước lạnh.
Bạn có thể tắm cún trong bồn tắm, nhưng điều này có vẻ xa xỉ với hầu hết mọi người, kể cả mình. Vậy nên phương án thay thế đó là dùng một cái thau to để tắm cún, hoặc đơn giản là bạn cứ tắm chúng trong nhà tắm hoặc ngoài trời.
Nếu thời tiết lạnh nhưng bắt buộc phải tắm cho chúng thì bạn nên tắm trong nhà tắm, tắm trước 18h00.
Bắt đầu tắm cho chó


Bắt đầu tắm thôi nào!
Việc tắm cho chó thực chất rất đơn giản. Việc khó khăn duy nhất chính là giữ cho chú chó của bạn chịu đứng yên để tắm. Tuy nhiên nếu bạn áp dụng 2 Tips ở trên mình vừa chỉ thì tỉ lệ thành công là 80%. 20% còn lại chắc là do chưa đủ “đô”.
Có vòi sen là một lợi thế, vì vòi sen sẽ linh hoạt và giúp bạn dễ dàng kì cọ ở những vị trí cụ thể hơn. Nếu không thì bạn có thể dùng vật gì đó để múc nước, cũng không đến nỗi tệ.
Bước 1:
Bạn sẽ bắt đầu với việc làm ướt người của cún trước, xịt nhẹ nhàng từ lưng, đuôi, chân, bụng, ngực, bẹn. Lông chó thường có 2 lớp, trong đó có 1 lớp chống nước nên bạn dùng tay vừa xoa vừa xịt cho nước thấm đều nhé.
Bước 2:
Giờ bạn phải thấm nước phần đầu cho cún. Đây là lúc mà bạn cần vận dụng mọi sự tinh túy khéo léo của bản thân. Bạn có thể xịt nhẹ nhàng từ phần gáy đi lên, dùng tay thấm nước rồi xoa mặt cho cún. Bạn có thể dùng khăn nhỏ thấm nước để thao tác cho dễ. Tránh xịt trực tiếp vào mắt, mũi và tai nhé.
Bước 3:
Bước này bạn sẽ pha loãng sữa tắm ra trong một cái ca, dùng tay đánh cho sủi bọt lên rồi đổ đều khắp người cún. Việc này có thể bạn sẽ thấy dư thừa nhưng nếu bạn chịu khó làm tí thì sẽ rất có ích. Việc xịt trực tiếp sữa tắm, xà phòng tắm lên lông cún có thể khiến vị trí đó bị viêm nếu bạn massage không kĩ. Vì sữa tắm thường rất đặc nên dễ bít lỗ chân lông, gây viêm.
Bước 4:
Massage toàn thân cho cún để sữa tắm được thấm đều. Đối với phần đầu bạn cần hết sức cẩn thận, tránh để sữa tắm dính vào mắt, mũi cún.
Bước 5:
Xả nước để sữa tắm trôi đi hết. Bạn hãy xả khoảng 2-3 lần thôi nhé, vì nếu xả quá nhiều lần có thể khiến mùi thơm cũng như công dụng của sữa tắm bị giảm đi.
Tuy xả ít nhưng mỗi lần xả hãy chú ý xả thật kĩ để tránh sữa tắm không trôi hết. Dễ gây viêm da.
Như vậy là xong, bạn có thể lặp lại các bước trên nếu có dùng kết hợp thêm sữa tắm lưu hương hoặc dầu xả.
Bước 6:
Bước cuối cùng là lau khô, phải thật khô cho cún cưng nhé. Nếu có máy sấy bạn có thể vừa sấy vừa chải lông để mau khô hơn. Việc lau khô sẽ tránh tình trạng viêm da và cảm lạnh cho chó.
Bạn có thể xem qua video sau để biết các groomer chuyên nghiệp tắm cho cún như thế nào nhé:
3. Những lưu ý khi tắm cho chó
Như vậy bạn có thể thấy là việc tắm cho chó không phải là một việc đòi hỏi quá nhiều kĩ thuật. Hay nói cách khác là không quá khó để bạn có thể thực hiện. Điều quan trọng nhất ở đây chính là sự chuẩn bị và sự hợp tác giữa bạn với thú cưng.
Tuy nhiên, vẫn sẽ có một số lưu ý mà bạn KHÔNG THỂ BỎ QUA vì nó liên quan trực tiếp đến sức khỏe, thậm chí là tính mạnh của chú chó cưng nhà bạn.
Chọn thời điểm tắm thích hợp


Lựa chọn thời điểm tắm tốt để đảm bảo sức khỏe cho cún cưng
Việc chọn thời điểm tắm là một việc đơn giản nhưng lại không được xem trọng và rất dễ bị bỏ qua. Và hậu quả của việc này đôi khi có thể nằm ngoài sức tưởng tượng của bạn.
Thời điểm tốt nhất để tắm cho thú cưng là:
- Ít nhất 2 tiếng sau khi ăn: Việc tắm ngay khi cún mới ăn xong có thể khiến chúng cảm thấy mệt mỏi và nôn nao.
- Buổi sáng đến trưa chiều: khoảng thời gian từ 7h30 – 16h30 là khoảng thời gian thích hợp để bạn tắm cho thú cưng.
Những trường hợp không được tắm
Không tắm cho chó khi thời tiết lạnh. Vì ở nhiệt độ này khi tắm sẽ khiến chú chó của bạn dễ bị hạ thân nhiệt dẫn đến tử vong.
Không tắm chó mới sinh. Chó mới sinh cơ thể đang rất yếu, sẽ rất dễ cảm lạnh hoặc nhiễm bệnh do sức đề kháng thấp. Nếu ngại mùi hôi của chúng bạn có thể sử dụng sữa tắm khô như một biện pháp chữa cháy hiệu quả.


Sữa tắm khô sẽ rất có ích cho bạn trong những giai đoạn khó khăn
Không tắm chó đang bệnh hoặc có dấu hiệu bệnh. Điều này là rõ ràng và tương tự như chó mới sinh, sức đề kháng của cún hiện tại rất yếu. Việc tắm sẽ tạo môi trường thuận lợi để vi khuẩn xâm nhập vào bên trong cơ thể.
Không tắm chó quá lâu. Chúng sẽ dễ bị cảm lạnh và bệnh. Thông thường bạn nên giới hạn thời gian tắm từ 10-15 phút là tối đa.
Không tắm chó mới nhận nuôi hoặc tách bầy. Chó mới nhận nuôi từ trại về hoặc vừa rã bầy thường rất yếu. Và bạn lại mang chúng sang một môi trường khác là nhà của bạn. Hãy để chúng làm quen với môi trường mới ít nhất 1 tuần. Sau đó hãy bắt đầu tắm cho chúng. Sữa tắm khô vẫn sẽ là một sự thay thế tốt.
Không tắm chó vừa mới được tiêm phòng. Bạn sẽ khiến cho vắc xin vừa được tiêm vào cơ thế cún giảm đi tác dụng của nó. Không những thế, lúc này cún đang yếu do cơ thể phải tiết ra các kháng thể. Tắm sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào bên trong cơ thể.
Bao lâu tắm cho chó một lần?


1-2 lần/ tuần là phù hợp nhất
Tùy vào giống chó, mức hoạt động, môi trường sống và tình trạng lông của chúng để xác định. Thông thường đối với một chú chó với bộ lông và làn da khỏe mạnh, bạn chỉ nên tắm 1 lần/tuần. Nếu chúng hay hoạt động ngoài trời, thì 2 lần/tuần.
Đối với một số giống chó với làn da tiết nhiều dầu và bã nhờn sẽ dễ khiến lông bị bết, vón cục. Bạn có thể tăng lên 3 lần/tuần. Và đó là con số tối đa bạn có thể tắm cho chú chó của mình trong 1 tuần.
Việc tắm cho chó hằng ngày là không cần thiết. Trừ khi cún đang trong quá trình điều trị một bệnh da liễu nào đó. Việc tắm quá thường xuyên sẽ khiến da của cún bị khô, mất đi chất nhờn tự nhiên. Điều này khiến lông không còn bóng mượt và dễ bị gãy rụng.
Những lưu ý về sữa tắm cho chó
Sữa tắm của người có dùng cho chó được không?
Đây là một câu hỏi phải gọi là kinh điển luôn vì bất cứ ai mới bắt đầu với việc tắm chó cũng sẽ hỏi. Và câu trả lời sẽ mãi mãi là KHÔNG.
Bạn có đồng ý là chính chúng ta cũng gặp khó khăn trong việc tìm loại dầu gội, sữa tắm phù hợp với làn da của chính mình. Vậy thì thú cưng cũng y chang vậy.
Sữa tắm của người chứa các thành phần và hoạt chất rất mạnh. Việc dùng sữa tắm của người để tắm cho chó có thể khiến da của chúng bị khô. Làm mất đi lớp dầu và chất nhờn tự nhiên trên da.
Tệ hơn nữa việc dùng sữa tắm hoặc dầu gội của người tắm cho chó có thể khiến chúng bị dị ứng, kích ứng da, viêm da.
Viêm da là một căn bệnh khó chịu và rất dễ mắc phải. Nếu bạn vẫn chưa biết viêm da ở chó là gì hãy tham khảo ngay bài viết này: Chó bị viêm da: triệu chứng, nguyên nhân & hướng chữa trị
Lựa chọn sữa tắm phù hợp cho chó


Joyce and Dolls là một thương hiệu sữa tắm tốt mà bạn nên thử qua
Trên thị trường hiện nay có rất nhiều dòng sữa tắm cho chó khác nhau. Mỗi loại sữa tắm sẽ có những công dụng riêng của chúng. Nếu bạn đang đau đầu vì không biết phải chọn loại nào cho phù hợp thì mình sẽ gợi ý cho bạn một vài cách để tìm nhé.
Hiện nay trên thị trường sẽ chia ra các dòng chủ yếu như sau:
- Sữa tắm dạng đặc trị: hay còn gọi là Medicated Shampoos. Các loại sữa tắm này thường chứa các thành phần, hoạt chất hỗ trợ điều trị một loại bệnh da liễu nào đó mà cún cưng của bạn đang mắc phải. Ví dụ: viêm da, nấm, ghẻ, dị ứng, vảy gầu, hôi lông,…
Đối với những loại sữa tắm này bạn sẽ cần tham vấn bác sĩ thú y trước khi sử dụng để đảm bảo an toàn cho thú cưng. Ngoài ra khi dùng các loại sữa tắm này, bạn hãy để yên trong 10 phút để các dược liệu ngấm vào da.
- Sữa tắm dạng lưu hương: các dạng sữa tắm này thường có thành phần được chiết xuất từ tinh dầu hoa thật. Giúp cho hương thơm được lưu giữ trên lông và da được lâu hơn.
- Sữa tắm theo màu lông: sữa tắm loại này sẽ có các thành phần và dưỡng chất giúp duy trì màu lông. Giúp lông bóng mượt và chắc khỏe.
Ví dụ: Sữa tắm dành cho các giống chó có màu nâu đỏ như Poodle. Sữa tắm dành cho các giống chó có màu lông trắng như Samoyed.
- Sữa tắm khô: Đây là dạng sữa tắm dành cho những chú chó đang gặp vấn đề về sức khỏe không tắm bằng sữa tắm bình thường được.
Những lưu ý về việc sấy khô lông cho chó


Sấy lông ở chế độ mát kết hợp với chải lông là chuẩn không cần chỉnh
Đối với những giống chó lông ngắn thông thường chỉ cần dùng khăn tắm chuyên dụng là cũng đủ khả năng làm khô rồi. Tuy nhiên, với những giống chó lông dài và to lớn như Alaska, Husky, Samoyed, Shar-Pei… Thì bạn sẽ phải cần đến máy sấy chuyên dụng cho thú cưng.
Với bộ lông dài và dày việc hong khô sẽ mất rất nhiều thời gian. Và thời gian đó đủ khả năng khiến da bị viêm. Chính vì vậy nếu bạn nuôi những giống chó lông dài thì nên đầu tư hẳn một chiếc máy sấy nhé.
Cần chú ý nếu chú chó của bạn tỏ ra sợ máy sấy, hãy dừng lại. Việc ép buộc sẽ khiến cún dễ bị stress và sợ hãi!
Tips: Nếu bạn không chắc là chú chó của bạn có thích máy sấy hay không. Hãy mang chúng đến một dịch vụ grooming nào đó. Thông thường tại đó sẽ dùng máy sấy chuyên dụng. Lúc đó bạn sẽ biết rằng chú chó của mình có sợ máy sấy hay không.
Nhưng theo mình biết, đa số chó không sợ máy sấy!
Những lưu ý sau khi tắm cho chó


Hãy đưa cún đến ngay cơ sở y tế nếu thấy có dấu hiệu bất thường sau khi tắm nhe
Nếu sau khi tắm, chó có những biểu hiện như run rẩy quá nhiều, sợ sệt, sốt cao, bỏ ăn,… thì lúc này thực sự có chuyện rồi đó! Hãy mang cún đến cơ sở thú y uy tín nhanh nhất để được chẩn đoán và chữa trị kịp thời.
Còn nếu sau khi tắm cún có những hành vi như gãi, cào, tự cắn người liên tục. Lúc này bạn nên nghĩ đến trường hợp dị ứng. Có thể là do dị ứng với sữa tắm, xà phòng bạn dùng.
Giải pháp là hãy thử đổi dòng sữa tắm khác. Nếu vẫn còn, cách cũ, mang đến cơ sở thú y uy tín để kiểm tra.
Dị ứng là một tình trạng phổ biến rất hay gặp ở thú cưng. Và cũng là một trong những nguyên nhân chính gây ra viêm da. Tham khảo bài viết Dị ứng ở chó và những điều bạn cần biết để hiểu hơn về tình trạng này.
4. Tổng kết
Như bạn thấy việc tắm cho chó không quá khó để thực hiện. Chỉ là do có rất nhiều việc nhỏ nhỏ bạn cần phải chú ý trước, trong, và sau khi tắm để đảm bảo sức khỏe và sự thoải mái cho cún cưng.
Đừng quên thưởng cho cún đồng thời dùng những cử chỉ và lời nói ngọt ngào nhé. Tâm lý ổn định của chúng sẽ giúp bạn hoàn thành việc làm sạch một cách nhanh và hiệu quả.
Chỉ cần cún có bất cứ biểu hiện bất thường nào bạn cũng cần phải mang chúng đến cơ sở thú y uy tín gần nhất để kiểm tra. Mặc dù thông thường những vấn đề phát sinh sau khi tắm rất hiếm khi xảy ra, nhưng không phải là không có. An toàn của cún cưng vẫn là trên hết.
Chúc bạn thành công trong việc tắm cho người bạn của mình, giúp chúng thơm tho và sạch sẽ hơn nhé! Tạm biệt ^^


Cạp cái mặt mâm nè :3
Nguồn tham khảo: