Dị ứng, nghe là thấy “ngứa ngáy” tới, ehhh.
Là một trong những vấn đề gây khó chịu không chỉ ở người mà cả thú cưng cũng gặp phải. Ước tính có khoảng 20% số lượng chó trên thế giới gặp các vấn đề với dị ứng, và xu hướng đó có chiều hướng tăng.
Nếu như chú chó của bạn đang có những triệu chứng điển hình như cào, gãi, liếm RẤT NHIỀU. Thì khả năng cao là đang có sự “góp mặt” của dị ứng.


Nếu có các triệu chứng trên thì rất có thể chú chó của bạn đang bị dị ứng
Mục lục bài viết
Tổng quan
Dị ứng không nguy hiểm. Nhưng những thứ sau đó do nó gây ra thì lại nguy hiểm vãi luôn. Dị ứng thông thường sẽ gây ra các cảm giác như ngứa cực độ, khó chịu, thậm chí là đau đớn.
Dị ứng nguy hiểm ở chỗ khi cún cưng của bạn gãi bất chấp thì sẽ gây ra tổn thương ở nơi nó gãi. Và chính chỗ tổn thương đó chính là nguyên nhân gây ra các bệnh nguy hiểm khác (nhiễm trùng thứ phát).
Cơ chế dị ứng ở chó
Sau đây là một lí thuyết ngắn gọn về cái gọi là dị ứng này. Nó y chang của người.
Về nguyên tắc chung, để có thể gây ra phản ứng dị ứng ở chó (hay cả mèo) thì thú cưng của bạn phải tiếp xúc với cái chất gây ra dị ứng đó nhiều hơn một lần. Và khi cơ thể thú cưng bị dị ứng, các tế bào bạch cầu trong cơ thể chúng sẽ tự động nhớ cái chất gây ra dị ứng đó.
Và khi nó nhớ như vậy thì cứ mỗi khi cún cưng của bạn tiếp xúc với đúng cái chất đó thì cơ thể sẽ lại càng sản sinh ra nhiều histamine, đây là một chất có sẵn trong cơ thể và nó tạo ra cảm giác ngứa. Càng nhiều histamine, càng ngứa!
Phải làm sao khi chó bị dị ứng?


Phải làm gì khi chó cưng bị dị ứng?
Cơ bản mà nói là bạn không thể chữa được dị ứng. Bạn chỉ có thể kiểm soát và hạn chế sự xuất hiện của các chất gây dị ứng trong cuộc đời thú cưng.
Trong bài viết này mình sẽ chỉ ra cho bạn 3 loại dị ứng thường gặp nhất ở chó, triệu chứng của chúng và hướng để điều trị. Và chúng ta cũng sẽ tìm hiểu một số cách để chẩn đoán và liệt kê tên các giống chó dễ bị dị ứng với môi trường xung quanh.
Có 3 dạng dị ứng chính ở chó:
- Dị ứng Atopy (hay còn được biết đến là Viêm da cơ địa)
- Dị ứng với ngoại kí sinh (ve, bọ chét)
- Dị ứng với thức ăn
Trong 3 dạng trên thì dị ứng atopy và dị ứng với ngoại kí sinh là phổ biến nhất.
Dị ứng Atopy hay dị ứng cơ địa
Tổng quan
Là một dạng dị ứng thường hay gặp ở chó, mèo cũng có nhưng ít hơn.
Đây là dạng dị ứng xuất hiện do sự phản ứng quá mức (hay quá mẫn cảm) của hệ thống miễn dịch khi cơ thể tiếp xúc với những chất thông thường trong môi trường xung quanh.
Những chất ở môi trường xung quanh đó có thể là phấn hoa, nấm mốc, các hạt bụi nhỏ, lông con vật khác,…


Côn trùng và chất độc của chúng cũng có thể là một tác nhân khiến cho chó bị dị ứng
Các chất gây dị ứng được gọi dị nguyên. Các chất này có thể bị hít vào, nuốt hoặc tiếp xúc trực tiếp. Tùy loại dị nguyên sẽ có cái ít, nhiều theo mùa, có cái thì quanh năm.
Đó là lí do tại sao đôi khi bạn thấy chú chó của mình chỉ bị viêm da vào đúng mùa đó mà không phải mùa khác.
Ví dụ: Khi nồng độ các dị nguyên, giả sử là phấn hoa trở nên cao hơn. Lúc này cơ thể của cún sẽ giải phóng ra một lượng lớn histamine, lúc này cún sẽ ngứa và bắt đầu gãi.
Các dị nguyên sẽ gây ra các triệu chứng như ngứa, gãi, phát ban, nổi mẩn đỏ, hắt xì, mắt ướt nước,… Và khi các dị nguyên này gây ra các vấn đề về da thì tình trạng đó được gọi là viêm da dị ứng (Atopic Dermatitis).
Xem thêm: Chó bị viêm da: nguyên nhân, triệu chứng và hướng điều trị
Triệu chứng
Điển hình nhất của dị ứng cơ địa là sự ngứa ngáy từ đó dẫn đến các hành vi như gãi, cắn vào các vùng như nách, bụng, giữa 2 chân sau, mặt, mõm, tai. Bạn cũng sẽ hay bắt gặp cảnh chúng đang ngồi nhai phần dưới bàn chân chúng.
Các triệu chứng này bắt đầu xuất hiện trong khoảng từ 4 tháng đến 7 năm tuổi.


Hãy để ý đến những dấu hiệu như gãi, cắn, liếm một cách quá mức để kịp thời phát hiện
Bạn cũng sẽ thấy những vị trí này bị nổi mẩn đỏ hoặc đỏ tấy lên. Việc liếm và gãi liên tục các vị trí này sẽ khiến tình trạng vùng da ở đó trở nên tồi tệ hơn. Tệ nhất là sẽ bị nhiễm trùng vùng da đó hoặc nhiễm trùng tai.
Tips: Bạn có thể kiểm tra tai chú chó của bạn xem có bị viêm hay không bằng cách lật ra. Sau đó nhìn vào trong đó xem có bị đỏ tấy lên hay có dịch tiết và mùi hôi hay không.


Những vết đỏ, trầy là dấu hiệu của sự gãi quá mức gây tổn thương da
Thông thường môi trường sống bẩn là nguyên nhân phổ biến dẫn đến dị ứng atopy, cho nên các bạn nên chú ý vệ sinh nơi ở xung quanh của thú cưng thật sạch sẽ nhé.
Ngoài ra sẽ có một số loại cây, cỏ cũng có thể khiến cún cưng của bạn bị dị ứng. Như cây thài lài tím, cỏ ba lá, cỏ Kikuyu (kiểu cỏ thảm),…
Hướng điều trị khi chó bị dị ứng cơ địa
#1
Liệu pháp “chống ngứa” bằng cách sử dụng các loại thuốc như Anti-histamine, corticosteroid, kháng sinh để điều trị. Điều trị bằng thuốc nhưng cũng sẽ phải yêu cầu kết hợp với các phương pháp ngoài da khác như sữa tắm, dầu xả, lotion hỗ trợ điều trị viêm da.
Tuy nhiên lưu ý: Bất cứ khi nào bạn có ý định dùng đến thuốc, trước hết hãy tham vấn bác sĩ thú y về cách sử dụng, liều lượng, và các tác dụng phụ.
#2
Một cách khác nghe hơi bất khả thi nhưng không phải là không thể. Hãy cố tìm hiểu nguyên nhân gây ra dị ứng và loại bỏ chúng. Là sao? Nghĩa là bạn hãy để ý xem điều gì khiến cún cưng bị dị ứng, phấn hoa, cỏ dại, bụi bẩn, phân ve, ve, rận,… sau đó tìm cách loại bỏ chúng.
Tuy nhiên nếu việc đó quá khó thì việc bạn có thể làm là thường xuyên lau hoặc rửa bàn chân của cún trước khi vào nhà. Việc này sẽ giúp loại bỏ phần nào các dị nguyên vô tình lọt vào khe bàn chân của cún.
Lưu ý: rửa xong hãy sấy hoặc lau lại thật khô để tránh viêm da nhé.
#3
Nếu các triệu chứng có biểu hiện nhẹ hoặc ít khi xuất hiện. Bạn có thể cân nhắc dùng vòng chống liếm chó, mèo.
Chiếc vòng sẽ ngăn không cho thú cưng cào, liếm, gãi nơi bị dị ứng. Giảm tình trạng bị tổn thương và nhiễm trùng chỗ đó.
#4
Liệu pháp giải mẫn cảm: Cách này là tiêm.
Tiêm cái này là tiêm cái gì? Các bác sĩ thú y sẽ tiêm một mũi có chứa một ít dị nguyên gây dị ứng vào cơ thể cún. Việc này khiến cơ thể tự sản sinh ra các kháng thể chống lại dị nguyên. Từ đó cún cưng của bạn sẽ giảm ngứa hơn.
Quá trình điều trị này sẽ mất một khoảng thời gian khá lâu để cơ thể thích ứng được. Bạn sẽ không thấy ngay kết quả đâu.
#5
Bổ sung các loại thực phẩm chức năng có chứa biotin hoặc omega-3 (dầu cá). Với tác dụng chống viêm tự nhiên, ức chế cảm giác ngứa và giúp cho phần lông khỏe mạnh hơn.
Dị ứng do ve, bọt chét
Tổng quan
Viêm da dị ứng do ve, bọt chét (Flea Allergy Dermatitis – FDA): là một phản ứng dị ứng với nước bọt của ve, bọ chét (Flea Saliva). Điểm đặc biệt ở đây là không cần một bầy ve cắn thì mới dị ứng, mà chỉ cần một con là đủ.


Chỉ cần một con cũng đủ để khiến chú chó của bạn bị dị ứng
Đây là loại phản ứng dị ứng phổ biến nhất ở chó, khoảng 50% các loài chó đều mắc phải.
Trong trường hợp hiếm gặp còn có một vài chú chó dị ứng với vết đốt của côn trùng như muỗi, một số loại ruồi hút máu.
Triệu chứng
Chú chó của bạn sẽ có những hành vi như nhai hoặc cắn vào vùng lưng, bụng, đuôi, chân sau. Đôi khi việc cắn quá mức khiến cho vị trí đó bị chảy máu.
Vùng da bị ve cắn sẽ trở nên đỏ, trầy xước và gây đau đớn. Nếu chú ý kĩ những vùng đó bạn sẽ thấy những chấm li ti màu đen, đó là phân ve.
Ve có ở khắp mọi nơi. Theo một nghiên cứu thì chỉ có 5% lượng ve kí sinh trên người chó, còn 95% thì ngoài môi trường xung quanh.
Vì vậy việc kiểm soát ve là việc khá khó khăn. Trừ khi bạn dùng những sản phẩm trị, chống ve rận đều đặn, thường xuyên.
Hướng điều trị khi chó bị dị ứng với ve, bọ chét


Những con vật bé tí này sẽ có thể là một cơn ác mộng thực sự đối với bạn và cả thú cưng của bạn
#1
Cách hiệu quả nhất đó là thường xuyên chải lông, kiểm tra ve, rận, bọ chét và sử dụng các sản phẩm ngăn ngừa chúng khỏi cún cưng.
Bạn có thể tham khảo bác sĩ thú y các sản phẩm đó, mình có thể gợi ý cho bạn một vài sản phẩm như:
- Vòng ngừa ve rận cho chó
- Frontline
- Bravecto
- …


Nhỏ gáy là một trong những phương pháp hiệu quả và an toàn trong phòng, trị ve
Ngày nay có rất nhiều sản phẩm để bạn tìm kiếm và lựa chọn.
#2
Bạn cũng nên thường xuyên dọn dẹp, vệ sinh sạch sẽ giường, đệm của chó và giặt chúng bằng nước nóng (>60 độ C). Mục đích là để loại bỏ trứng ve có thể lẩn khuất đâu đó.
#3
Hãy cẩn thận khi cho cún của bạn tiếp xúc với những bé cún khác. Vì bạn không biết rằng liệu chúng có ve hay không. Điều này có thể dẫn đến việc lây lan bọ chét.
Tốt nhất là bạn nên đeo vòng ngừa ve, rận cho thú cưng trước khi ra ngoài đường. Kể cả khi tham gia các câu lạc bộ thú cưng bạn cũng nên thận trọng.
#4
Bác sĩ thú y có thể sẽ gợi ý bạn dùng steroids hoặc antihistamine để giảm tình trạng ngứa ngáy cho thú cưng.
Thường xuyên tắm nước ấm (3 lần/1 tuần) kết hợp với các loại sữa tắm giảm ngứa hoặc trị ve sẽ giúp ích cho cún cưng của bạn.
Dị ứng thức ăn
Tổng quan
Dj ứng thức ăn là dạng dị ứng ít khi gặp nhưng không phải là sẽ không gặp. Dị ứng thức ăn được định nghĩa là khi chú chó của bạn dị ứng với một hoặc nhiều thành phần trong thức ăn.
Các thành phần đó có thể là:
- Thịt bò
- Sữa
- Thịt gà
- Trứng
- Cá
- Ngũ cốc (lúa mì, đậu nành, ngô)


Chó bị dị ứng thức ăn không phổ biến nhưng bạn cũng không nên chủ quan với nó
Thông thường sẽ rất khó để bạn có thể phát hiện được thành phần nào gây dị ứng.
Việc dị ứng với thức ăn được cho là do sự thay đổi của hệ thống miễn dịch trong cơ thể thú cưng. Bình thường ăn thì không sao hết, nhưng bỗng một hôm cơ thể “trở mặt” và tưởng các loại thức ăn này là “những vị khách lạ”. Và thế là các phản ứng dị ứng bắt đầu xuất hiện.
Triệu chứng
Các triệu chứng mà bạn sẽ thường hay bắt gặp ở cún đó là ngứa ngáy, liếm, cắn. Đặc biệt ở các vị trí như bàn chân, xung quanh mặt, tai.
Những triệu chứng trên còn có thể đi kèm với nhiễm trùng da và tai, cơ thể có mùi hôi, vảy gầu, nổi những đốm đỏ và mụn.
Trong một số trường hợp nặng hơn sẽ có thể là chán ăn. Bạn có thể nghe tiếng rột roạt trong bụng cún. Xuất hiện thêm các triệu chứng tiêu chảy nhẹ hoặc nôn mửa.
Để có thể chẩn đoán chính xác cún cưng của bạn đang dị ứng với thành phần nào trong thức ăn bạn sẽ cần phải ghé bác sĩ thú y thường xuyên đấy. Mục đích là để các bác sĩ có thể theo dõi và thử nghiệm các chế độ ăn uống khác nhau.
Sau khi đã tìm ra được thành phần khiến thú cưng bị dị ứng thì việc điều trị và kiểm soát sẽ không còn là vấn đề.
Hướng điều trị khi chó bị dị ứng thức ăn
Cách tốt nhất cho bạn là đến gặp bác sĩ thú y và họ sẽ tìm ra thành phần gây dị ứng trong thực phẩm. Từ đó bạn sẽ biết để có chế độ ăn phù hợp hơn cho thú cưng.
Trong một số trường hợp không thể đến bác sĩ thú y bạn có thể thay đổi chế độ ăn và quan sát các dấu hiệu để có sự thay đổi phù hợp.
Làm sao để biết chó bị dị ứng cái gì?
Dưới đây là những cách chẩn đoán dị ứng điển hình:
Dị ứng cơ địa: bạn sẽ phải test chú chó của bạn. Kiểm tra bằng cách lấy một mẩu da và soi, hoặc cách khác là sẽ thử máu.
Dị ứng ve, bọ chét: thông thường là sẽ dùng cách thủ công, vạch lông ra và tìm dấu vết. Có thể là vừa vạch ra là sẽ thấy ngay ve, bọ chét. Hoặc nếu không thì sẽ thấy phân ve, xác ve, những vết cắn của ve.
Ngoài ra các bác sĩ thú y có thể sẽ dùng đến các loại thuốc trị ve để chắc chắn dị ứng đó có phải do ve hay không.
Dị ứng thức ăn: Để chẩn đoán được dị ứng thức ăn thì bạn sẽ phải đưa cún cưng vào một chế độ ăn kiêng đặc biệt trong 8-12 tuần. Điều này có nghĩa là chúng sẽ được kê cho một bảng “menu” theo yêu cầu của bác sĩ thú y. Và đây sẽ là những thức ăn mà chúng chưa từng ăn bao giờ.
Tips: Nếu có thể bạn nên có một cuốn sổ ghi lại các tiền sử bệnh lý của thú cưng. Việc này sẽ giúp các bác sĩ thú y có thể chẩn đoán một cách nhanh và chính xác hơn.
Các giống chó dễ bị dị ứng
Thật ra giống chó nào cũng đều có nguy cơ bị dị ứng. Tuy nhiên do di truyền nên sẽ có một số giống chó mong manh và nhạy cảm hơn những giống khác. Cụ thể những giống đó là:
- West Highland White Terrier
- Irish Setter
- Shar-pei
- Maltese
- Bulldogs
- Spaniels
- Dalmatian
- Labrador
- Golden Retriever
- Staffordshire Bull Terrier
Tổng kết
Dị ứng thực sự là một thứ gì đó rất phiền toái và khó chịu. Điều trị dị ứng không khó khi bạn biết được nguyên nhân gây ra. Dị ứng không thể chữa mà bạn chỉ có thể kiểm soát chúng.
Cách tốt nhất luôn là đến các phòng khám, cơ sở thú y uy tín để kiểm tra và có những biện pháp điều trị phù hợp với loại dị ứng mà thú cưng đang gặp phải. Việc kiểm soát tốt sẽ giúp người bạn nhỏ của chúng ta có một cuộc sống thoải mái và vui vẻ.


Hãy giúp thú cưng có một cuộc sống hạnh phúc và khỏe mạnh một cách trọn vẹn nhé!
Nguồn tham khảo: Stop the itching – What you need to know about allergies in dogs