Chó, mèo bị viêm da tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại gây một sự khó chịu không hề nhẹ cho chủ nhân lẫn vật nuôi trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày.
Có phải bạn luôn mơ ước chú chó cưng của mình sẽ có một bộ lông mềm mịn, thơm tho để có thể ôm ấp, vuốt ve?
Một bộ lông bóng mượt, chắc khỏe để bạn không phải lúc nào cũng phải xắn tay dọn dẹp những phần lông gãy, rụng. Thế thì còn gì bằng nhỉ?


Bạn có muốn được ôm người bạn của mình một cách âu yếm như thế này?
Ấy thế mà viêm da lại chính là thủ phạm hoàn toàn có thể phá tan tành ước mơ đó của bạn!
Vì vậy, trong bài viết này chúng mình sẽ tìm hiểu về một dạng bệnh rất thường hay gặp trong quá trình nuôi thú cưng, đó là bệnh viêm da ở chó (thật ra mèo cũng có nhưng mèo ít bị hơn). Viêm da, nấm, vảy gầu là một trong những bệnh phổ biến mà bạn không nên bỏ qua nhưng cũng không nên quá hốt hoảng hay lo lắng.
Bởi vì không phải là hết cách. Ngay phía dưới đây mình sẽ giúp bạn biết cần phải làm gì khi người bạn nhỏ của mình bị viêm da. Cùng với đó là một số tips để giúp bạn phòng ngừa căn bệnh này.
Lưu ý: Đây sẽ là một bài viết khá dài (đâu đó hơn 5000 từ) và có những từ ngữ mang hơi hướng học thuật một tí. Mong là bạn sẽ chịu khó đọc để có cái nhìn tổng quan về những thứ gây ra căn bệnh viêm da cho chú chó, bé mèo nhà bạn.
Mục lục bài viết
- 1. Những triệu chứng thường gặp khi chó bị viêm da
- 2. Như vậy thì, viêm da ở chó (mèo) là bệnh gì?
- 3. Viêm da cơ địa (Atopic Dermatitis)
- 4. Viêm da tiếp xúc (Contact Dermatitis)
- 5. Những nguyên nhân gây bệnh viêm da, nấm, vảy gầu ở chó
- 6. Hướng điều trị dành cho chó, mèo bị viêm da
- 7. Một số lưu ý giúp bạn phòng ngừa bệnh viêm da cho chó, mèo
- 8. Sản phẩm đề xuất & gợi ý
- 9. Tổng kết
1. Những triệu chứng thường gặp khi chó bị viêm da
Từ 3 tháng đến 6 năm tuổi là khoảng thời gian mà những triệu chứng hay biểu hiện viêm da ở chó sẽ bắt đầu xuất hiện. Trong thời gian đầu những triệu chứng có vẻ nhẹ nhàng, nhưng càng về sau bạn sẽ thấy những dấu hiệu này ngày càng nặng hơn bởi vì làn da sẽ ngày càng trở nên nhạy cảm hơn.
Viêm da có thể là viêm toàn thân hoặc viêm cục bộ, những vị trí hay bị viêm da nhất thường sẽ là:
- Tai
- Chân, bàn chân
- Bụng
- Mõm
- Nách
- Bẹn
- Gốc đuôi
- Xung quanh mắt
- Giữa các kẽ ngón chân


Đây là những vị trí bạn nên lưu ý vì có khả năng viêm da cao
Viêm da thì có rất rất nhiều triệu chứng, dưới đây là mình nêu ra hầu hết các triệu chứng thường gặp. Bạn xem cún cưng của mình có triệu chứng nào giống như vậy không nhé!
Triệu chứng trên lông, da:
Thông thường khi nhắc đến viêm da thì những triệu chứng mà bạn có thể dễ dàng quan sát bằng mắt thường nhất là da của cún bị đỏ, sưng, da có dấu hiệu bị tổn thương (do cún gãi quá nhiều), phồng rộp và có những chấm đỏ, hay phát ban trên da.
Và hậu quả của sự khó chịu đó sẽ dẫn đến những hệ lụy xấu khác. Chú chó (hoặc mèo) của bạn sẽ bắt đầu liếm, cào, cắn, gãi một cách vô cùng “mãnh liệt”. Khiến cho vị trí bị viêm trở nên nghiêm trọng hơn, dễ mắc phải các căn bệnh nguy hiểm khác, mà trong số đó là bệnh nhiễm trùng máu vô cùng nguy hiểm.
Cún mà mắc phải bệnh nhiễm trùng máu mà không kịp thời cứu chữa thì gần như xác định là bó tay, tỉ lệ tử vong rất cao. Thế mới nói chỉ từ một căn bệnh viêm da cơ bản nhưng nếu bạn không có động thái gì thì rất dễ dẫn đến những căn bệnh nguy hiểm, vậy nên đây rõ ràng là một căn bệnh mà bạn KHÔNG NÊN xem thường!
Uầy, lại nói nhiều rồi, sau đây là những triệu chứng thường gặp nhé:
- Ngứa (triệu chứng điển hình, đặc trưng)
- Phát ban, nổi mẩn đỏ trên da (triệu chứng điển hình, đặc trưng)
- Rụng lông nhiều, từng mảng
- Da đóng vảy gầu
- Da tối và dày (do gãi nhiều, trầy xước, sau đó lành, rồi lại gãi)
- Da đổi màu
- Có mùi hôi lạ trên cơ thể
- Mắt lúc nào cũng ẩm ướt như có nước
- Tai ửng đỏ
- Có những vết sưng đỏ và viêm
- Da bị chảy máu, có mủ do gãi quá mức (trường hợp nặng)


Bị viêm da đệm chân
Triệu chứng qua hành động:
- Gãi liên tục (đúng rồi, ngứa là phải gãi. Tuy nhiên gãi rất nhiều, có thể khiến rách da)
- Rên rỉ khi gãi (do gãi thì đau, mà không gãi thì ngứa)
- Hay hắt xì
- Hay bị chảy nước mắt (do bị chảy nước mắt nên khu vực xung quanh mắt hay bị ẩm dẫn đến viêm)
- Hay liếm chân, cắn khắp người (đặc biệt là ở bẹn, giữa các ngón chân, bụng)
- Hay chà xát cơ thể vào một bề mặt nào đó (như với mặt tường, bàn ghế, sàn nhà,… )
- Nếu để ý bạn sẽ thấy trên chân, lưng, đùi, bẹn,… của cún lúc nào cũng có vết nước bọt
- Hay lắc đầu (này là do viêm tai nên ngứa)


Bạn đã từng thấy chú chó của mình có những hành động như thế này?…
Như vậy, với những triệu chứng như trên có lẽ bạn sẽ biết được là liệu chú chó của mình có bị viêm da hay không? Và có thể bạn sẽ thắc mắc rằng vậy thì nguyên nhân do đâu mà cún cưng lại bị viêm da?
Nhưng khoan đã… trước khi đi đến nguyên nhân mình muốn giới thiệu cho các bạn một cái nhìn sơ bộ về cái bệnh viêm da chết tiệt này đã =.=! Ngay và luôn nào!
2. Như vậy thì, viêm da ở chó (mèo) là bệnh gì?


Là bệnh gì vậy?
Một cách tổng quát nhé!
Viêm da là cách gọi chung được sử dụng để mô tả một nhóm các tình trạng mà da bị ngứa và viêm mãn tính, dễ hiểu mà đúng không? Tiếp nè…
Có 2 dạng viêm da chính mà cả chó lẫn mèo thường hay mắc là:
- Viêm da cơ địa (Atopic Dermatitis): là tình trạng khi da tiếp xúc với các dị nguyên trong môi trường xung quanh dẫn đến tình trạng dị ứng và viêm.
- Viêm da tiếp xúc (Contact Dermatitis): là tình trạng khi da tiếp xúc trực tiếp (hít hoặc chạm vào) với các chất dễ gây mẫn cảm (thật ra cũng là dị nguyên) trong môi trường dẫn đến tình trạng dị ứng và viêm.
Có phải bạn đọc 2 cái này thấy nó cũng tựa tựa nhau chứ có khác gì đâu đúng không? Đừng lo, mình sẽ giải thích thêm phía dưới cho bạn dễ phân biệt.
Cả 2 dạng viêm da này đều là do tình trạng sản sinh quá mức các kháng thể của hệ thống miễn dịch khiến da bị ngứa và viêm. Thông thường người ta sẽ gộp chung chúng lại vì cả 2 đều là do tiếp xúc với chất gây kích ứng da.
Tuy nhiên, theo mình thì vẫn nên phân ra để có hướng điều trị chính xác hơn dựa trên các dấu hiệu và nguyên nhân gây dị ứng.
3. Viêm da cơ địa (Atopic Dermatitis)


Các nhân tố gây dị ứng có thể có ở khắp mọi nơi
Có thể nói rằng, viêm da cơ địa là dạng viêm da mà bạn thường gặp nhất ở cả chó lẫn méo meo, xảy ra khi thú cưng của bạn tiếp xúc với các dị nguyên trong môi trường xung quanh gây ra sự kích thích ở da và viêm.
Mấy cái dị nguyên này không khó để tìm thấy ở xung quanh nơi bạn sinh sống hay nói cách khác là nó có ở khắp mọi nơi. Sau đây mình sẽ chỉ ra cho bạn sự khác biệt của cái viêm da cơ địa này với cái viêm da tiếp xúc ở trên.
1. Các dị nguyên gây ra viêm da cơ địa mà mình thấy đa số đều đến từ môi trường tự nhiên và chúng hầu như vô hại.
Ví dụ: Nấm mốc, bụi bẩn trong nhà, phấn hoa, cỏ, côn trùng,…
2. Dị ứng sẽ không xảy ra ngay khi tiếp xúc với các dị nguyên mà cần thời gian để phát bệnh (kiểu như bị viêm từ từ).
Ví dụ: Chú chó của bạn hay chơi với cát, đất. Một tuần đầu bạn sẽ thấy không có biểu hiện gì (vì rõ ràng cát, đất vô hại), nhưng những tuần sau hay thậm chí là những tháng sau đó thì chúng sẽ bắt đầu có những triệu chứng viêm da.
Nó sẽ không bị liền đâu, mà sẽ phát triển chậm rãi theo thời gian rồi bùng phát vào một ngày nào đó.
3. Chó dễ mắc tình trạng này hơn mèo.
Tips: Những vị trí dễ bị viêm da cơ địa là tai, khuỷu chân, mõm, bụng, nách, xung quanh mắt và kẽ ngón chân.
4. Viêm da tiếp xúc (Contact Dermatitis)
Khác với viêm da cơ địa, viêm da tiếp xúc xảy ra khi thú cưng của bạn trực tiếp tiếp xúc (chạm hoặc hít phải) với hóa chất hoặc một chất gây mẫn cảm nào đó gây nên tình trạng ngứa và viêm ngay lần đầu tiếp xúc trong 48h.


Các loại hóa chất tẩy rửa trong nhà có thể là nguyên nhân gây ra viêm da tiếp xúc
Ví dụ: Xà phòng. hóa chất, chất tẩy rửa vệ sinh, axit, sơn,… hoặc đó có thể là các vật dụng của thú cưng như vòng cổ, quần áo,…
Nhưng so với viêm da cơ địa thì viêm da tiếp xúc ít khi xảy ra hơn ở cả chó lẫn mèo.
Viêm da tiếp xúc sẽ không cần thời gian phát bệnh mà nó sẽ gây khó chịu cho chó, mèo ngay lần đầu chạm vào hoặc hít phải.
Một điểm khác biệt nữa của viêm da tiếp xúc với viêm da cơ địa là viêm da cơ địa sẽ lây lan khắp người thú cưng, còn viêm da tiếp xúc thì bệnh chỉ gây viêm ở những vị trí ít được bảo vệ bởi lông như:
- Bàn chân (đệm)
- Cằm
- Môi
- Mũi
- Những điểm khớp chân
- Dưới bụng
Lưu ý: Viêm da tiếp xúc trong một số trường hợp có thể gây ra tình trạng viêm, loét.
5. Những nguyên nhân gây bệnh viêm da, nấm, vảy gầu ở chó
Việc xác định đúng nguyên nhân gây viêm da chính là chìa khóa để việc điều trị dễ dàng hơn bao giờ hết.
Có một tin không vui là nguyên nhân gây ra bệnh viêm da, nấm, vảy gầu ở chó cũng nhiều không kém gì mấy cái triệu chứng ở phần đầu tiên. Và qua 2 phần mình đã trình bày ở trên thì chắc bạn cũng thầm đoán được nguyên nhân tại sao chó, mèo lại bị viêm da rồi nhỉ?
Đúng vậy, nguyên nhân chính và phổ biến nhất hiện nay gây ra viêm da ở thú cưng đó là do dị ứng.
Và dị ứng cũng sẽ có 3 dạng thường gặp mà bạn nên biết…
Các dạng dị ứng thường gặp ở chó, mèo:
- Dị ứng do cơ địa với môi trường xung quanh (hay còn gọi là Atopic Dermatitis, cái mình vừa đề cập ở trên đấy)
- Dị ứng do ngoại kí sinh: ve, rận, ghẻ, bọ chét, mò Demodex (bệnh xà mâu),… (Flea Allergy Dermatitis)
- Dị ứng do thức ăn (Food Allergy)
- Dị ứng do thuốc (Medication Allergy)
Xem ngay: Các dạng dị ứng thường gặp ở chó
Trong số trên thì dị ứng do cơ địa với môi trường xung quanh và dị ứng với ngoại kí sinh là phổ biến nhất.


Ve và bọ chét thường phải chịu “trách nhiệm” cho những vụ viêm da ở chó
Ngoài ra, sẽ có một số giống chó đặc biệt dễ bị dị ứng hơn các giống khác do di truyền (tuy nhiên còn phụ thuộc vào nguồn gen và khu vực sinh sống), các giống đó là:
- Beagle
- Bichon Frise
- Boston Terrier
- Boxer
- Bulldogs
- Cairn Terriers
- Chinese Shar-Pei
- Cocker Spaniels
- Dalmatian (Chó Đốm)
- English Setters
- Golden Retriever
- Irish Setter
- Labrador Retriever
- Lhasa Apso
- Maltese
- Miniature Poodles
- Miniature Schnauzers
- Poodles (dòng lai cũng bị luôn)
- Pugs
- Scottish Terrier
- Shar Pei
- Shih Tzu
- Spaniels
- Staffordshire Bull Terrier
- West Highland White Terrier
- Wire-haired Fox Terrier
Bạn có thể tìm kiếm trên Google để xem ảnh mấy giống chó này.
Các nguyên nhân gây ra bệnh viêm da, nấm, vảy gầu ở chó
Với viêm da tiếp xúc (Contact Dermatitis)
- Chất độc từ các loài thực vật (ví dụ: độc cây thường xuân,…)
- Chất tẩy rửa, xà phòng, dung môi
- Axit và chất kiềm
- Nước hoa
- Xăng, dầu
Với viêm da cơ địa (Atopic Dermatitis)
- Phấn hoa trong không khí (cỏ, cây dại,…)
- Sữa tắm, xà phòng (lựa chọn sữa tắm không phù hợp)
- Chất tẩy rửa (nước lau nhà, lau sàn)
- Một số kim loại (ví dụ: Niken)
- Thuốc nhuộm (cẩn thận khi nhuộm cho chó, mèo nhé bạn yêu)
- Vòng/bột trị ve, rận hoặc các phương pháp điều trị khác (này cũng có nhưng ít khi xảy ra)
- Do các loại thuốc trừ sâu, phân bón thực vật
- Do các chất liệu từ nhựa, cao su, len và da (mấy chất liệu này dễ gây ngứa)
- Do vảy da, gầu (tự tróc ra làm bít các lỗ chân lông gây viêm)
- Nấm mốc (do sấy không khô sau khi tắm hoặc để chó, mèo chơi với nước nhưng không sấy khô lại)
- Không được phơi nắng thường xuyên cũng sẽ gây nấm mốc dẫn đến dị ứng và viêm
- Nơi ở ẩm ướt cũng sẽ là nguyên nhân gây nên nấm mốc
- Nơi ở không sạch sẽ (có nhiều bụi bẩn)
- Bị bọ chét, ve, rận cắn (do dị ứng với nước bọt của chúng)
Trên đây là những nguyên nhân hay gặp nhất dẫn đến tình trạng viêm da ở chó, mèo. Sau này mình sẽ tiếp tục cập nhật.


Chú ý đến nguyên nhân gây bệnh sẽ giúp bạn phòng tránh hiệu quả hơn
6. Hướng điều trị dành cho chó, mèo bị viêm da
Mình sẽ chỉ có thể chỉ cho bạn hướng điều trị để khắc phục và hạn chế tối đa vấn đề dị ứng, vì 2 lí do:
- Viêm da là căn bệnh có thể tái lại và gần như sẽ đi theo thú cưng của bạn suốt đời. Việc bạn cần làm là phòng ngừa một cách tốt nhất để tình trạng đó không diễn ra nữa.
- Cách điều trị tốt nhất vẫn sẽ là ra các cơ sở thú y uy tín để xét nghiệm và chẩn đoán. Các bác sĩ thú y sẽ cho bạn biết chó, mèo của bạn đang gặp phải vấn đề gì và đưa ra giải pháp phù hợp nhất.
Chẩn đoán bệnh viêm da như thế nào?


Để các bác sĩ thú y ra tay là cách an toàn và hiệu quả nhất
Thông thường việc chẩn đoán bệnh viêm da sẽ được các bác sĩ thú y thực hiện bằng cách xét nghiệm mẫu da, soi da, xét nghiệm máu và kết hợp một số phương pháp kiểm tra thể chất để xác định loại viêm da mà chó, mèo của bạn đang mắc phải. Và cả nguyên nhân gây ra.
Không hẳn là lúc nào việc xét nghiệm cũng sẽ mang lại kết quả chính xác hoàn toàn nhưng ít ra cũng sẽ giúp nhận biết được các loại dị ứng khác có cùng triệu chứng.
Ví dụ như dị ứng với ve, rận; mẫn cảm với vết muỗi cắn; dị ứng với thức ăn; bệnh tự miễn và kí sinh trùng.
Ngoài ra sẽ có một số xét nghiệm chuyên sâu hơn, mình không chuyên về lĩnh vực thú y nên cái này các bạn đến đó các bác sĩ thú y sẽ tư vấn cho bạn.
Tiên lượng


Hãy luôn để ý đến cún cưng của bạn. Việc phát hiện sớm sẽ giúp chữa trị và kiểm soát tốt hơn
Viêm da cơ địa là một căn bệnh mãn tính và sẽ không thể chữa trị hoàn toàn được. Chúng chỉ có thể được kiểm soát, chữa trị và thường xuyên kiểm tra để phòng ngừa tái phát.
Qua thời gian hoặc nếu không được chữa trị, tình trạng sẽ ngày càng nặng nề.
Do việc liếm, cắn, gãi quá mức sẽ dẫn đến tình trạng vùng da nơi đó bị rụng lông, nhiễm trùng kế phát và nhiễm trùng tai. Lâu ngày điều này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống cũng như tính cách của thú cưng (trở nên hung dữ, quạu quọ hơn chẳng hạn).
Tuy nhiên, nếu phát hiện sớm và nhận diện được các dị nguyên đang ảnh hưởng đến thú cưng, bạn sẽ hoàn toàn có thể chủ động trong việc phòng ngừa cũng như chữa trị cho chúng.
Các phương pháp điều trị bệnh viêm da cho chó, mèo
Việc điều trị bệnh viêm da ở chó, mèo sẽ phụ thuộc vào (hoặc dựa trên) nguyên nhân gây ra dị ứng kết hợp điều trị các bệnh thứ phát và biến chứng khác.
Điều trị viêm da cho chó, mèo cần một khoảng thời gian và bạn nhất định phải kiên trì. Bởi vì viêm da không phải là căn bệnh mà bạn có thể dễ dàng chữa ngay lập tức được.
Việc đầu tiên bạn cần làm
- Nếu bạn đang nuôi nhiều chó, mèo. Hãy cách ly những bé đang có dấu hiệu của viêm da vì có thể sẽ lây cho những bé khác.
- Tìm thử xem trong lông của thú cưng có ve, rận, kí sinh trùng gì lạ không. Nếu có, hãy loại bỏ chúng bằng cách bắt (không khuyến khích) hoặc dùng các loại thuốc trị ve, thuốc nhỏ gáy.
- Đưa thú cưng đến các phòng khám thú y uy tín càng sớm càng tốt.
Điều trị viêm da cơ địa
#1 Cách ly hoặc tránh tiếp xúc với các nguyên nhân gây dị ứng
Cách đầu tiên thường được đề xuất là các bác sĩ thú y sẽ tư vấn cho bạn làm thế nào để tránh cho thú cưng tiếp xúc với các chất gây dị ứng. Đây là option hiệu quả nhất luôn á, nhưng nó có một khó khăn đó là bạn phải xác định được thú cưng của bạn đang dị ứng bởi cái gì.
Nhưng nếu ai cũng biết được thú cưng của mình dị ứng bởi cái gì thì câu chuyện đã quá dễ dàng rồi đúng hông ^^ Nhưng cuộc sống là thế, luôn bí ẩn và thích tạo thử thách. Vậy nên chúng ta sẽ xem tiếp cách thứ hai.
#2 Liệu pháp điều trị quá mẫn (hyposensitization therapy hay hyposensitivity therapy).
Các bác sĩ thú y sẽ tiêm cho chú chó của bạn một liều thuốc mà trong đó có chứa một ít dị nguyên (chất gây dị ứng). Mục đích của việc này là để cơ thể cún tự xây dựng khả năng miễn dịch với các dị nguyên trong môi trường xung quanh.
Phương pháp điều trị này sẽ giúp cho cún cưng của bạn giảm bớt sự ngứa ngáy, khó chịu từ 60% – 80%, một con số không hề nhỏ.
Tuy nhiên nhược điểm của phương pháp này là mất rất nhiều thời gian. Đâu tầm 6 tháng đến 1 năm, lúc đó bạn mới thấy được sự hiệu nghiệm của nó.
#3 Thuốc ức chế miễn dịch (Immunosuppressant medication)
Cách tiếp theo là dùng thuốc ức chế miễn dịch. Như mình đã nói ở phần chẩn đoán, sẽ có một số giống chó mắc phải bệnh tự miễn.
Chính việc cơ thể sản sinh ra quá nhiều kháng thể đã làm cho da bị ngứa. Vậy nên việc dùng thuốc ức chế miễn dịch sẽ làm giảm việc sản sinh quá nhiều kháng thể, từ đó cún cưng của bạn sẽ đỡ ngứa hơn. Bạn hiểu ý mình chứ?
#4 Thuốc kháng histamin (Antihistamin)
Một loại thuốc tiếp theo có thể sẽ được các bác sĩ thú y giới thiệu đó là thuốc kháng Histamin (bạn có thể hiểu một cách đơn giản là thằng histamin này là một chất khiến cho chú chó của bạn có cảm giác đau và ngứa).
Thì cái thuốc này nó sẽ có công dụng là kháng lại cái chất đó và làm giảm đi cảm giác đau và ngứa.
Ngay cả trong việc điều trị dị ứng ở người thì việc dùng thuốc kháng Histamin cũng là một sự lựa chọn không tồi.
#5 Thuốc chống viêm Corticosteroid
Một loại thuốc khác, có tên là Steroids (Corticosteroid). Đây là một dạng thuốc có tác dụng làm chậm hoặc ngừng khởi phát quá trình viêm của hệ miễn dịch. Điều trị các phản ứng dị ứng.
Corticosteroid thường sẽ có nhiều dạng và tùy vào tình trạng cụ thể mà sử dụng: dạng viên, dạng tiêm, dạng bôi, dạng xịt, dạng truyền tĩnh mạch, dạng hít.
Trong quá trình sử dụng các loại thuốc tiêm và uống kể trên, bác sĩ thú y có thể sẽ chỉ định cho bạn thêm một số thuốc hỗ trợ dạng xịt hoặc bôi ngoài da.
#6 Chữa trị ngoài da
Nếu như bạn cảm thấy tình trạnh viêm da ở chó, mèo của bạn chỉ ở mức độ nhẹ, không quá nghiêm trọng và không muốn dùng đến các liệu pháp có thuốc phía trên thì bạn có thể tham khảo bác sĩ thú y về một số cách chữa trị ngoài da.
Chẳng hạn bạn có thể tắm thú cưng của mình bằng các loại sữa tắm hỗ trợ điều trị viêm da với chức năng chống ngứa, kháng khuẩn giúp giảm bớt các triệu chứng. Mình sẽ gợi ý cho bạn một số loại sữa tắm trị viêm da cho thú cưng phía dưới.
Ngoài ra nếu bác sĩ thú y có chỉ định loại sữa tắm nào thêm thì bạn nên dùng theo.
Trong quá trình điều trị, để tránh thú cưng liếm vào nơi bôi, xịt thuốc bạn nên kết hợp sử dụng vòng hay loa chống liếm cho chó mèo. Đôi lúc bạn sẽ cần phải cạo lông để việc điều trị viêm da hiệu quả hơn, hãy cân nhắc!
Điều trị viêm da tiếp xúc
Một tin hông hề vui nữa là viêm da tiếp xúc không có cách chữa. Chà, bài này nhiều tin xấu nhỉ 😀 Cách hiệu quả nhất để kiểm soát tình trạng này tránh tiếp xúc với các chất gây kích ứng bất cứ khi nào có thể:
- Tìm các sản phẩm tẩy rửa và sữa tắm không gây dị ứng thú cưng. Bạn hãy thử thay đổi thường xuyên các nhãn hiệu.
- Hạn chế để hóa chất trong nhà.
- Di chuyển hoặc treo một số cây trồng bạn nghĩ có thể gây dị ứng lên cao hoặc ra nơi khác.
- Bạn nên dùng bát ăn, uống bằng thủy tinh, nhôm thay vì dùng bát nhựa. Vì trong nhựa có thể chứa parabens gây dị ứng.
- Hạn chế sử dụng đồ chơi bằng cao su.
Hướng điều trị: Với viêm da tiếp xúc các bác sĩ thú y có thể cũng sẽ kê toa các phương pháp điều trị chống viêm như corticosteroid dạng uống hoặc antihistamin.
Cùng với đó là một số loại sữa tắm và thuốc xịt có tác dụng giảm ngứa tạm thời.
7. Một số lưu ý giúp bạn phòng ngừa bệnh viêm da cho chó, mèo


Quan tâm chăm sóc thú cưng để ngăn ngừa viêm da xảy ra
Sau đây là một số biện pháp phòng ngừa viêm da cho chó, mèo mà bạn cần lưu ý:
- Thường xuyên kiểm tra định kì với bác sĩ thú y. Đây là một việc quan trọng nhưng thường bị bỏ qua.
- Đưa cún đến cơ sở thú y để tiêm vacxin phòng ghẻ, ve chó, bọ chét. Bạn sẽ ngăn ngừa được một lượng lớn ký sinh trùng gây bệnh nhờ mũi tiêm này.
- Dùng thuốc xịt ve, rận để đảm bảo chỗ ở của cún không có sự góp mặt của chúng.
- Tránh cho chó tiếp xúc với những bé khác có triệu chứng viêm da.
- Vệ sinh sạch sẽ nơi chó, mèo nằm, ngủ (vệ sinh chuồng, đệm, nhà cho chó,…) thường xuyên.
- Quét dọn bụi bẩn tránh nấm mốc, ẩm ướt.
- Thường xuyên chải lông cho chó, mèo. Tiện thể kiểm tra da và lông.
- Sử dụng sữa tắm dành cho thú cưng. Tránh sử dụng sữa tắm của người.
- Cần chú ý sấy thật khô cho chó mỗi khi tắm xong.
- Thường xuyên cho thú cưng phơi nắng vào sáng sớm. Tầm từ 7h-7h30 là nắng tốt.
- Tránh để chó tiếp xúc với các dụng cụ vệ sinh, tẩy rửa, chất hóa học.
- Hãy cẩn thận khi cho chó khám phá ở những nơi lạ.
- Đảm bảo cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng. Bổ sung vitamin và các khoáng chất giúp tăng cường hệ miễn dịch.
8. Sản phẩm đề xuất & gợi ý
Dưới đây là một số dòng sản phẩm thông dụng và hiệu quả mình tìm thấy được chuyên điều trị và hỗ trợ các bệnh viêm da, nấm, ghẻ,…
Các loại sữa tắm trị viêm da cho chó
Sữa tắm Davis KetoHexidine Shampoo


Sữa tắm Davis KetoHedixine trị viêm da cho chó mèo
Davis là một trong những thương hiệu chuyên cung cấp các sản phẩm đặc trị về da lông cho chó, mèo được thành lập vào năm 1982 tại Mỹ. Vì thế bạn hoàn toàn có thể yên tâm về chất lượng của sản phẩm.
Sữa tắm Davis KetoHedixine là dòng sữa tắm chuyên trị các vấn đề về nhiễm trùng da, viêm da do vi khuẩn, nấm, viêm da tăng tiết ở chó.
Ngoài ra sữa tắm này còn có mùi hương dễ chịu, giảm tình trạng hôi khi các bé bị viêm da. Khi tắm bạn chú ý massage nhẹ nhàng khoảng 10 phút cho sữa tắm ngấm rồi hãy xả nước.
Sữa tắm SOS


Sứa tắm trị viêm da SOS cho chó mèo
Có lẽ đây là nhãn hiệu sữa tắm quen thuộc với hầu hết mọi người đến từ Đài Loan. Nhắc đến ai cũng biết hết trơn!
Sữa tắm SOS chia thành nhiều dòng mà trong đó có một dòng dành cho những chú chó bị viêm da, nấm. Đó là cái chai SOS màu đen, trên nhãn có ghi chữ “Special For Sub-healthy Hair“.
Và hẳn là nó phải thực sự hiệu quả vì thế mới có nhiều người dùng đến vậy, cùng với đó là giá thành không quá đắt đỏ khiến nó càng trở nên “thịnh hành” hơn.
Sữa tắm Joyce & Dolls 102 – Clear


Một thương hiệu ít được biết đến nhưng công dụng thì không thể ngó lơ
Cũng là một dòng sữa tắm chuyên hỗ trợ điều trị viêm da nhưng ở Việt Nam lại ít được biết đến. Với khả năng loại bỏ các loại vi khuẩn gây viêm và ức chế sự quay trở lại của chúng.
Joyce & Dolls 102 Clear giúp làm giảm các triệu chứng kích ứng và gây ngứa ở da. Ngoài ra trong sữa tắm còn có các thành phần giúp giảm mùi hôi và ít cay mắt.
Sau khi chú chó của bạn hồi phục khỏi tình trạng viêm da bạn có thể chuyển sang dùng dòng Joycce & Dolls 102 – Soothing. Dòng này chuyên dùng cho mấy bé kiểu da còn nhạy cảm, phòng ngừa các vấn đề về dị ứng da.
Sữa tắm Trixie Tea Tree Oil Shampoo


Sữa tắm hỗ trợ điều trị viêm da đến từ Đức
Nhắc đến Trixie là bạn đang nhắc đến một thương hiệu toàn cầu của Đức. Nghe tới Đức là thấy “xịn” tới rồi đó, nơi sản sinh ra những Mercedes, những BMW,… Ô khoan, mình lại lạc đề rồi!
Nói một cách khái quát thì đây là một dòng sữa tắm tốt và chất lượng, nhưng giá thành cũng vừa phải mà bạn nên thử qua. Sữa tắm Trixie Tea Tree Oil giúp ngăn ngừa các ngoại kí sinh, hỗ trợ điều trị kích ứng da và da nhạy cảm ở thú cưng.
Nhắc nhỏ: cái mùi của chai này không khác gì mùi chai dầu gió xanh luôn, thề 🙂
Vậy là bạn đã tìm thấy một số dòng sữa tắm dành riêng cho tình trạng viêm da của cún. Nhưng bạn đã biết tắm sao cho đúng cách chưa? Nếu chưa hãy tham khảo: Hướng dẫn tắm cho chó đúng cách ngay tại nhà ngay nhé!
Thuốc trị ghẻ, viêm da, ve rận ở chó Bravecto


Bravecto chuyên trị ve rận, viêm da ở chó
Đây là một trong những dòng thuốc dạng viên chuyên phòng trị ve, bọ chét và bệnh Demodex (bệnh viêm da).
Thuốc này được nhiều người cho review tốt trong quá trình điều trị viêm da nên bạn có thể yên tâm. Với liệu trình sử dụng là 1 viên cho 12 tuần. Tác dụng của nó khá lâu như bạn thấy, với 4 viên là bạn phòng được cả năm. Bạn có thể tìm hiểu thêm về loại thuốc này trên Google.
Nhược điểm duy nhất của nó là giá thành khá đắt. Ở thời điểm này thì ít nhất hơn 500K cho hộp với số kí thấp nhất (2 – 4,5kg).
Nếu được bạn hãy hỏi thăm ý kiến bác sĩ thú y để sử dụng loại thuốc này.
Thuốc của hãng Alkin


Hầu hết người dùng đều cho phản hồi tích cực về sản phẩm trị viêm da này
Alkin là một thương hiệu “xịn xò” đến từ Trung Quốc được phát triển từ Trung tâm nghiên cứu và kiểm soát dịch bệnh chăn nuôi ở Trung Quốc.
Hiện tại có 2 loại mình thấy ổn nhất: Alkin Mitecyn và Alkin Fabricil. Cả 2 đều là thuốc dạng xịt.
Bạn nên dùng Alkin Mitecyn trước, vì chai này có chức năng diệt ve, bọ chét, rận và trị ghẻ, nấm. Ngăn chặn sự lây lan, phát triển của ghẻ Demodex.
Nếu bạn cảm thấy tình trạng viêm da hiện tại có dấu hiệu nặng hơn hãy dùng Alkin Fabricil. Chai này có tác dụng giảm ngứa, chữa trị tình trạng da bị viêm có mủ, nổi mẩn.
Bạn nên cạo lông vùng bị da bị viêm để thuốc có thể tiếp xúc trực tiếp với da khi xịt. Nên đeo vòng chống liếm cho chó vì khi xịt cái này chúng sẽ rất khó chịu.
Liều lượng sử dụng:
- Alkin Mitecyn: nhẹ thì mỗi ngày xịt 1 lần, liệu trình liên tục 7-10 ngày. Nặng thì cần kết hợp thuốc khác, bạn nên tham vấn bác sĩ thú y.
- Alkin Fabricil: nhẹ thì cũng mỗi ngày 1 lần, nặng thì ngày 2 lần, mỗi lần cách 8 tiếng. Liệu trình 7-10 ngày.
Lưu ý:
- Nên rửa bằng nước muối sinh lý trước khi phun trực tiếp vào vùng da bị viêm.
- Nếu viêm da ở mắt, bạn nên thấm tăm bông hoặc bông gòn để thao tác được an toàn.
- Chỗ viêm da bị lở loét hoặc có vết thương hở, hãy tham vấn bác sĩ thú y trước khi dùng.
Dung dịch vệ sinh phụ khoa Gynofar và thuốc đỏ Povidine


Dung dịch vệ sinh Gynofar và thuốc đỏ Povidine
Bạn không đọc nhầm đâu! Lúc đầu mình cũng kiểu bán tin bán nghi, nhưng mà… nó thực sự hiệu quả.
Vì là dung dịch vệ sinh nên nó có khả năng giữ ẩm và kháng khuẩn tốt. Gynofar không khó để mua, bạn có thể tìm thấy chúng ở các tiệm thuốc tây. Giá thành cũng không đắt chút nào.
Bạn chỉ cần pha với nước rồi tắm cho cún khoảng 3 – 5 phút rồi xả lại với nước. Kiên trì như thế mỗi ngày.
Sau khi tắm xong bạn nên tắm lại với sữa tắm chuyên dụng trị viêm da vì sẽ có một số bạn không thích mùi của Gynofar. Sau đó bạn dùng thuốc đỏ Povidine bôi lên là xong.
Trong trường hợp bạn không thể tắm cho cún do thời tiết hoặc một số lý do đặc biệt (mới sinh, mới tiêm phòng) hãy pha Gynofar với nước rồi đổ vào bình xịt xịt lên chỗ bị viêm của cún, ngày xịt 2 lần. Nhớ đeo vòng chống liếm nhé!
9. Tổng kết
Cuối cùng, chúng ta cũng đi đến đoạn kết của cái bệnh viêm da khó chịu này.


Bạn có mệt hông?
Viêm da ở chó, mèo là một dạng dị ứng phổ biến thường gặp, hay nói không ngoa thì ít nhất một lần trong cuộc đời thú cưng cũng sẽ gặp một lần.
Đây gần như là một căn bệnh mãn tính mà bạn không thể chữa trị tuyệt đối được. Bạn chỉ có thể kiểm soát nó thôi. Chính vì điều đó mà việc thường xuyên thăm khám các bác sĩ thú y là điều vô cùng cần thiết.
Viêm da không phải là một căn bệnh quá nguy hiểm, nhưng cũng không phải là căn bệnh mà bạn có thể tự ý chữa trị được. Lời khuyên ở đây tốt nhất là hãy mang thú cưng đến phòng khám, cơ sở thú y uy tín để được chẩn đoán và điều trị theo phác đồ nhé!